Thêm suất, thêm cơ hội
Bắt đầu từ World Cup 2026, FIFA sẽ tăng số đội bóng tham dự từ 32 lên 48. Theo phân bổ của FIFA, châu Á sẽ được trao 8,5 suất, tăng 4 suất so với thời điểm hiện tại. Do có sự điều chỉnh về số suất nên Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã quyết định thay đổi thể thức.
Huấn luyện viên Park Hang Seo đã trở lại Việt Nam để tiếp tục công việc của mình, đó là theo dõi các giải chuyên nghiệp Việt Nam nhằm tuyển chọn nhân sự hướng tới mục tiêu giành chức vô địch AFF Cup 2022.
Trong giai đoạn hiện tại, việc V.League đang diễn ra cạnh tranh sôi nổi là cơ hội để ông Park tìm ra những nhân tố mới cũng như đánh giá chính xác các cầu thủ chủ lực vốn nằm trong kế hoạch trước đó của nhà cầm quân Hàn Quốc.
Ngoài ra, hợp đồng giữa huấn luyện viên Park Hang Seo và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ hết hạn vào tháng 1/2023. Hai bên dự kiến sẽ đàm phán hợp đồng mới vào tháng 10 năm nay.
Cụ thể, vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ được chia làm 3 vòng (1, 2 và 3) và 1 vòng play-off. Vòng 1, 22 đội bóng, bao gồm các đội có thứ hạng 26 đến 47 trong khu vực (dựa trên bảng xếp hạng FIFA). Các đội sẽ bốc thăm chia cặp thi đấu theo thể thức sân nhà, sân khách. 11 đội chiến thắng sẽ lọt vào vòng loại thứ hai.
Vòng 2 có sự tham dự của 36 đội bóng, bao gồm các đội có thứ hạng từ 1 đến 25 trong khu vực và 11 đội chiến thắng ở vòng loại thứ nhất. Vòng loại thứ hai chia thành 9 bảng đấu, mỗi bảng bốn đội, thi đấu vòng tròn một lượt, sân nhà và sân khách. Hai đội đứng đầu mỗi bảng (tổng số 18 đội) sẽ tiến vào vòng loại thứ ba, đây cũng là các đội sẽ giành vé tham dự Vòng chung kết AFC Asian Cup 2027.
Vòng loại thứ 3 được chia làm 3 bảng đấu (mỗi bảng 6 đội). Các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt, sân nhà và sân khách. Hai đội đứng đầu mỗi bảng (tổng cộng 6 đội) sẽ giành vé trực tiếp dự Vòng chung kết FIFA World Cup 2026. Vòng loại thứ tư (vòng play-off châu Á) sẽ bao gồm các đội đứng thứ 3 và thứ 4 từ tất cả các bảng của vòng loại thứ 3, tổng cộng 6 đội.
Sáu đội sẽ được bốc thăm chia thành 2 bảng, mỗi bảng 3 đội, thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt (mỗi đội sẽ đá hai trận). Hai đội đứng thứ nhất từ các bảng đấu sẽ giành vé trực tiếp dự Vòng chung kết FIFA World Cup 2026. Các đội xếp thứ hai của hai bảng sẽ thi đấu play-off châu lục, đội thắng sẽ giành suất tham dự play-off liên lục địa.
Như vậy, so với thể thức hiện tại, vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á có nhiều thay đổi. Do số suất của châu Á được tăng lên đáng kể nên đây là cơ hội để đội tuyển Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ tham dự ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới.
Theo bảng xếp hạng FIFA gần đây nhất, đội tuyển Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 khu vực châu Á nên gần như chắc chắn không phải tham dự vòng loại đầu tiên World Cup 2026. Dự kiến, đội tuyển Việt Nam sẽ bắt đầu từ vòng loại thứ 2 cùng với 35 đội bóng khác.
Tiền vệ Quang Hải đang thi đấu tại giải hạng Nhì nước Pháp. |
Ở vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã đi tới vòng loại thứ 3 khu vực châu Á. Đây là chiến tích chưa từng có của bóng đá Việt Nam. Nhưng trên thực tế, thầy trò Park Hang Seo cũng chỉ xác định đây là cơ hội để cọ xát với các nền bóng đá mạnh. Nhà cầm quân người Hàn Quốc không mơ mộng bởi đội tuyển Việt Nam vẫn còn kém xa về trình độ so với các ông lớn hàng đầu châu lục.
Tại vòng loại thứ 3, đội tuyển Việt Nam ở bảng B cùng với các đội: Ả-rập Xê-út, Nhật Bản, Australia, Oman, Trung Quốc. Trong 10 trận đấu, mặc dù chỉ giành được 4 điểm với 1 trận thắng (thắng Trung Quốc 3-1), 1 trận hòa (hòa Nhật Bản 1-1), song các học trò huấn luyện viên Park Hang Seo là đội bóng duy nhất ở Đông Nam Á giành được 1 trận thắng ở vòng loại cuối cùng này.
Ở trận cuối cùng gặp đội tuyển Nhật Bản trên sân khách, dù chỉ có 20 cầu thủ trong danh sách đăng ký thi đấu và các vị trí thay thế cực mỏng, đội tuyển Việt Nam đã chơi một trận cực kỳ ấn tượng khi ghi bàn thắng trước. Sau đó, toàn đội đã kiên cường chống đỡ sức tấn công dữ dội của đội chủ nhà và chỉ chịu thủng lưới 1 bàn, đồng thời bảo toàn kết quả hòa 1-1.
Nhưng với việc AFC có thêm 4 suất dự World Cup, đội tuyển Việt Nam đương nhiên sẽ có cơ hội lớn hơn. Từ giấc mơ “không tưởng”, tấm vé tham dự ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới đã trở nên “khả thi” hơn với bóng đá Việt Nam. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, trong nhiều năm trở lại đây, đội tuyển Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công ở sân chơi tầm cỡ châu lục. Trong đó, phải kể tới tấm vé vào tứ kết Asian Cup 2019 và chiến tích dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đây chính là yếu tố nền tảng!
World Cup 2026 sẽ lần đầu tiên có 3 quốc gia đồng đăng cai và 48 đội tham dự. |
Không như là mơ!
Quyết định của FIFA tăng số đội tham dự World Cup 2026 và đồng nghĩa AFC được thêm 4 suất đã được xác định từ 4 năm trước. Giờ chỉ là thời điểm mang tính chính thức.
Tại Đại hội thường niên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) 2019, VFF đã báo cáo về Chương trình đội tuyển bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup 2026, do Ban chiến lược VFF thực hiện, trưởng ban là ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực VFF và hiện giờ ông Tuấn là Quyền Chủ tịch VFF.
Theo ông Tuấn, giải pháp tổng thể để đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup 2026 dựa trên kế hoạch tiếp tục sử dụng các chuyên gia và huấn luyện viên nước ngoài trong các đợt tập trung đội tuyển. Nâng cấp hệ thống giải trẻ trong nước, với mục tiêu các cầu thủ trẻ phải được đá 16 - 20 trận/năm. VFF tập trung đầu tư lứa cầu thủ “vàng” 25 tuổi vào năm 2026 (các cầu thủ sinh trong giai đoạn 2001 - 2002). Lứa cầu thủ này sẽ nỗ lực để có mặt tại VCK U23 châu Á 2024, Olympic 2024 và World Cup 2026.
Không thể phủ nhận cơ hội tham dự sân chơi World Cup đã lớn hơn với đội tuyển Việt Nam và nhiều nền bóng đá có trình độ khá và trung bình ở châu Á. Tuy vậy, giữa khái niệm “khả thi” và “thực tế” vẫn có những khoảng cách nhất định. Hãy cùng nhìn lại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Đội tuyển Việt Nam đã đứng thứ 12/12. Xét về góc độ cơ học, ngay cả khi AFC được tăng vé tham dự từ 4,5 lên 8,5 suất dự World Cup vẫn là mục tiêu rất khó với đoàn quân áo đỏ.
Tất nhiên, ở vòng loại World Cup 2026, AFC sẽ thay đổi thể thức. Nhưng dù thế nào, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nền bóng đá có trình độ cao hơn, hay chí ít là “cân tài cân sức”. Vấn đề ở chỗ, vẫn còn quá sớm để nói rằng trình độ của đội tuyển Việt Nam đã vượt qua khu vực Đông Nam Á. Có thể xem thất bại ở bán kết AFF Cup 2020 là minh chứng cho thấy đoàn quân áo đỏ vẫn còn quá nhiều việc phải làm để đặt mục tiêu lớn hơn ở tầm châu lục và xa hơn thế.
Khi AFC được trao 4,5 suất, tấm vé dự World Cup khó thoát khỏi tay các ông lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay Iran. Khi số vé của AFC tăng lên 8,5, cơ hội sẽ mở ra cho nhiều nền bóng đá khác như Qatar, Iraq, UAE, Uzbekistan, Oman, Trung Quốc, Syria, Bahrain…
Nói như thế để thấy rằng, cánh cửa tới World Cup vẫn rất hẹp với đội tuyển Việt Nam. Điều quan trọng nhất là nguồn sức mạnh nội tại. Chỉ khi nào tạo ra một nền bóng đá đủ mạnh, đủ kinh nghiệm và có sự phát triển bền vững, khi ấy bóng đá Việt Nam mới có hy vọng tham dự ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới. Còn hiện tại, mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở 2 chữ “khả thi” mơ hồ.
Theo thể thức mới được AFC công bố, vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á được chia làm 4 vòng (1, 2, 3 và play-off). Mục tiêu thực tế nhất của đội tuyển Việt Nam là lọt top 3 - 4 ở bảng đấu thuộc vòng loại thứ 3 để dự vòng play-off (vòng loại thứ 4). 6 đội sẽ được chia làm 2 bảng (mỗi bảng 3 đội). Sau khi đấu vòng tròn 2 lượt, đội dẫn đầu mỗi bảng sẽ giành vé dự World Cup. Trong trường hợp chỉ xếp nhì bảng, đoàn quân áo đỏ vẫn có hy vọng giành nửa suất cuối cùng của châu Á để dự vòng play-off liên lục địa.
Chia sẻ với báo giới, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này bằng một kế hoạch chuẩn bị hết sức bài bản, chuyên nghiệp và đồng bộ. Cần cố gắng hoàn thiện hệ thống các giải trong nước, làm bàn đạp cho tuyển Việt Nam vì chính từ sân chơi quốc nội, những nhân tố tài năng sẽ được phát hiện.
Ngoài ra, các đội tuyển trẻ sẽ được thường xuyên tham gia giải trẻ của khu vực, châu lục. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, không chỉ Việt Nam nhìn thấy cơ hội này để tăng mức đầu tư và có sự chuẩn bị thật kỹ mà các nước châu Á khác cũng sẽ chạy đua quyết liệt để có được các suất mà FIFA công bố.
Và ông Lê Hoài Anh nhấn mạnh: “Trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, có ghi rõ mục tiêu, đội tuyển Việt Nam nằm trong top 10 bóng đá châu Á. Chỉ khi nào, chúng ta đạt được mục tiêu này thì mới có hy vọng trở thành quốc gia có được 1 trong các suất của châu Á dự World Cup 2026”.
Vòng chung kết World Cup 2026 sẽ diễn ra tại 16 thành phố ở Bắc Mỹ, khi Canada, Mỹ và Mexico đồng tổ chức sự kiện này vào năm 2026. Các trận đấu ở Canada sẽ được tổ chức ở Vancouver và Toronto. Mỹ có nhiều thành phố tổ chức nhất gồm Seattle, San Francisco, Los Angeles, Kansas City, Dallas, Atlanta, Houston, Boston, Philadelphia, Miami, New York/New Jersey. Trong khi đó, các thành phố của Mexico là Mexico City, Monterrey và Guadalajara cũng sẽ là nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2026. Dự kiến, vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ diễn ra từ tháng 11/2023 tới 11/2025.