Đánh giá không điểm số: Kinh nghiệm từ Cà Mau

GD&TĐ - Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30 Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Đây được xem như giải pháp đóng vai trò rất quan trọng, đã tạo nên một bước ngoặt mới, một cuộc cách mạng trong đánh giá học sinh tiểu học. 

Đánh giá không điểm số: Kinh nghiệm từ Cà Mau

Những chỉ đạo sát thực

Để triển khai và thực hiện tốt Thông tư 30, Sở GD&ĐT Cà Mau đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng các giải pháp như: Ban hành văn bản triển khai thực hiện. 

Nội dung văn bản này chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tiểu học in Thông tư 30 đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và 3 loại hồ sơ dự thảo (học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn) để trao đổi trong tổ chuyên môn.

 Th.s Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Cà Mau

Sở GD&ĐT Cà Mau yêu cầu chọn cử cốt cán đi dự hội nghị triển khai Thông tư 30 tại TP Hồ Chí Minh; chỉ đạo Trưởng phòng GD&ĐT mở các điểm triển khai lại bằng hình thức liên trường, cụm trường để quán triệt Thông tư 30 đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kết thúc trước 15/10/2014. 

Trong quá trình triển khai Thông tư 30 ở các huyện, thành phố, Sở GD&ĐT đã cử cán bộ xuống tận các địa điểm tổ chức để theo dõi, chỉ đạo, giúp đỡ và có báo cáo lại cho lãnh đạo Sở.

Sở GD&ĐT còn ban hành văn bản hướng dẫn giáo viên đánh giá thường xuyên bằng nhận xét để giáo viên nắm vững tinh thần chỉ đạo theo Thông tư 30. 

Đặc biệt là văn bản hướng dẫn các trường học tổ chức thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT như: Sinh hoạt chuyên môn tập trung vào Thông tư 30, chỉ đạo cán bộ quản lý, cán bộ cốt cán hỗ trợ giúp đỡ giáo viên đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt có thể bằng “lời nói” hoặc là “viết” vào vở hoặc phiếu học tập. 

Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, TP đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, giúp đỡ nhằm tháo gỡ cho trường học những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư 30 một năm 4 lần (giữa tháng 11/2014, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học 2014-2015).

Từ quyết tâm triển khai rốt ráo Thông tư 30, tại các cơ sở cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nắm bắt được nội dung Thông tư cũng như quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thông qua các văn bản của Bộ, Sở GD&ĐT. 

Thông tư đã được triển khai trước ngày có hiệu lực và đã đi vào thực tiễn, việc đánh giá bằng nhận xét ban đầu phụ huynh còn băn khoăn... Sở đã chỉ đạo cho Phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường tiểu học, giáo viên chủ nhiệm lớp họp cha mẹ HS để phổ biến Thông tư 30/2014 và được sự đồng thuận thống nhất cao.

5 bài học kinh nghiệm

Qua quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Sở GD&ĐT Cà Mau rút ra các bài học kinh nghiệm sau:

1. Sử dụng đội ngũ cán bộ cốt cán đã qua tập huấn trung ương triển khai trực tiếp đến đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên theo hình thức liên trường. 

Tuyên truyền trong Ban đại diện cha mẹ học sinh và cha mẹ học sinh hiểu được cách đánh giá mới để tạo sự đồng thuận giữa cha mẹ học sinh và giáo viên. 

2. Phải giúp giáo viên nắm vững được các nội dung đánh giá thường xuyên, đưa ra cấu trúc của lời nhận xét cho giáo viên nắm (kể cả bằng lời và viết): 

Nhận xét mức độ kiến thức, kĩ năng + hạn chế, điều chưa đạt (nếu có) + Tư vấn nhắc nhở hỗ trợ để học sinh khắc phục (hay động viên khích lệ). 

Với cấu trúc trên thì mỗi nhận xét của học sinh là khác nhau về mức độ hoàn thành hay chưa hoàn thành. Vì vậy lời nhận xét đối với từng em cùng không giống nhau.

Trong học tập, các em học sinh cũng nhận xét lẫn nhau sau khi giáo viên sửa bài tập, các em trao đổi vở cho nhau và chấm chéo bài chéo nhau để phát hiện ra cái sai của bạn như vậy giúp các em nhanh hiểu bài, nhớ bài lâu hơn. 

Giáo viên nhận xét kết hợp với các hình thức thi đua trong lớp hàng ngày, hàng tuần để gây hứng thú cho học sinh. Ví dụ: Giáo viên làm bông hoa xanh, đỏ hoặc ngôi sao thể hiện việc khen học sinh tùy theo mức độ…

3. Giáo viên cần lập kế hoạch đánh giá theo từng môn học và đối tượng học sinh theo từng bài, từng hoạt động trong mỗi bài, mạch kiến thức, tuần, tháng…

Có như thế giáo viên mới xác định được yêu cầu cần kiểm tra, đánh giá những học sinh nào đặc biệt đối với những học sinh yếu giáo viên cần có những kế hoạch cụ thể, chi tiết. 

Nội dung nào cần thiết, quan trọng thì đánh giá trước, không quá tham lam nhận xét nhiều làm cho học sinh khó xác định được việc cần làm, tự ty mặc cảm và có thể làm cho các em “rối” hơn.

4. Việc ghi nhận xét vào vở, sản phẩm HS một cách khoa học, tránh gây áp lực, đối phó, quá tải, không đợi đến cuối tháng, không nhất thiết hết 1 tháng, mà có thể nhận xét bất kì lúc nào theo kế hoạch của người dạy. 

Đặc biệt là đối với giáo viên dạy bộ môn (vì nhiều lớp, nhiều học sinh). Số lần nhận xét ở mỗi em cũng khác nhau (có thể em này 3 nhận xét nhưng em kia 4-5 nhận xét).

5. Chỉ đạo các tổ chuyên môn thường xuyên sinh hoạt định kỳ để quán triệt Thông tư 30, trao đổi những kỹ thuật về đánh giá bằng nhận xét đối với từng môn học.

Lãnh đạo nhà trường thường xuyên dự giờ thăm lớp, kiểm tra sổ theo dõi đánh giá của giáo viên để giúp đở, động viên giáo viên nâng cao trách nhiệm và lương tâm nhà giáo khi tiến hành đánh giá và nhận xét học sinh nên được quan tâm và thường xuyên động viên nhắc nhở đến giáo viên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ