Trường vùng khó chia sẻ kinh nghiệm đánh giá không điểm số

GD&TĐ - Nằm trên địa bàn khó khăn, nhưng quy định mới đánh giá học sinh tiểu học vẫn được cán bộ, giáo viên Trường tiểu học số 2 Thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè - Lai Châu) đưa vào rất “ngọt”.

Một giờ học của cô trò trường Tiểu học số 2 Thị trấn (Mường Tè, Lai Châu)
Một giờ học của cô trò trường Tiểu học số 2 Thị trấn (Mường Tè, Lai Châu)

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai, cô Hiệu trưởng Hồ Thị Tươi cho rằng, có rất nhiều việc phải làm, nhưng cái chính vẫn là sự kiên trì, bền bỉ trên nền hiểu đúng, nắm chắc quy định mới.

Điều quan tâm đầu tiên: “Đả thông” tư tưởng

Cô Hồ Thị Tươi cho biết: Trường Tiểu học số 2 Thị trấn nằm ở trung tâm của 6 khu phố thuộc địa bàn Thị trấn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Một số học sinh của trường là con em gia đình cán bộ công nhân viên chức và hộ gia đình buôn bán tự do trong huyện; còn lại, đa số thuộc hộ gia đình nông thôn và khu vực tái định cư.

Đánh giá học sinh bằng nhận xét đã được áp dụng tại trường từ trước với các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Thể dục.

Năm học 2012 - 2013 nhà trường thực hiện dạy thí điểm mô hình trường học mới VNEN và đánh giá học sinh. 

Sau đó, năm học 2013 - 2014, việc đánh giá học sinh bằng nhận xét cũng đã được thực hiện đối với lớp Một nên đội ngũ  giáo viên của nhà trường đã hiểu và quen với việc đánh giá học sinh không dùng điểm số.

Mặc dù địa bàn miền núi nhưng số lượng học sinh trong một lớp của trường khá đông; trong khi đó, học sinh khá giỏi ít, đối tượng học sinh đa số là con em người dân tộc thiểu số, khả năng nhận thức còn nhiều hạn chế nên việc đưa ra lời đánh giá, nhận xét, biện pháp hỗ trợ cho các em mất nhiều thời gian.

Xác định được những khó khăn này, việc làm đầu tiên của trường là “đả thông” tư tưởng, làm sao để tất cả cán bộ, giáo viên phải hiểu sâu, nắm chắc quy định mới.

Cách làm là tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu Thông tư 30 và công văn số 1073 của Sở GD&ĐT Lai Châu về tập huấn nâng cao năng lực đánh giá học sinh tiểu học và sử dụng hồ sơ đánh giá học sinh từ năm học 2014-2015.

Trường tập trung tuyên truyền cho giáo viên hiểu: Đánh giá học sinh tiểu học nêu trong Thông tư này là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Bên cạnh tạo điều kiện cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn quy định mới đầy đủ, trường cũng tổ chức thảo luận, chia sẻ về đánh giá học sinh theo Thông tư 30 trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn tổ khối.

Với phụ huynh, trường đã tổ chức họp phụ huynh học sinh giữa kỳ 1 để giải thích cách theo dõi, hỗ trợ học sinh trong học tập, tham gia đánh giá học sinh, phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

“Guồng” kiểm tra sát sao

Một trong những nhân tố làm nên thành công khi triển khai quy định mới, theo Hiệu trưởng Hồ Thị Tươi là công tác kiểm tra đánh giá, phải làm thật, làm nghiêm, làm thường xuyên.

Tại Trường Tiểu học số 2 Thị trấn, Ban Giám hiệu và tổ chuyên môn thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Thông tư 30 của giáo viên bằng hình thức thăm lớp dự giờ.

Qua đó, góp ý về việc đánh giá thường xuyên bằng lời của giáo viên đối với học sinh và kiểm tra sổ theo dõi đánh giá nhận xét của giáo viên đối với học sinh để nắm bắt và điều chỉnh việc ghi lời nhận xét của giáo viên đối với học sinh sao cho phù hợp.

Ban Giám hiệu và tổ khối cũng thực hiện kiểm tra, tư vấn về nội dung đánh giá, nhận xét của giáo viên trên vở của học sinh.

Thường xuyên nhắc nhở giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được quên em nào, nhưng khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng tháng, không lạm dụng việc dùng các câu nhận xét có mẫu vì không phù hợp với các học sinh khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau.

Trường cũng cho phép các tiết kiểm tra định giữa kỳ và kiểm tra trong chương trình do giáo viên chủ nhiệm linh hoạt điều chỉnh.

Giáo viên có thể chuyển thành Ôn tập hoặc ra đề cho học sinh kiểm tra nhưng không chấm điểm mà chỉ nhận xét, đánh giá, xếp loại để theo dõi tiến độ học tập cũng như nâng cao kỹ năng làm bài kiểm tra cho học sinh.

Đưa ra tiêu chí cụ thể cho lời nhận xét

Trường Tiểu học số 2 Thị trấn cũng đưa ra những lưu ý rất cụ thể về cách nhận xét, nội dung nhận xét cho mỗi giáo viên.

Theo đó, khi đánh giá thường xuyên, giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu bài học để đưa ra lời nhận xét, đánh giá. Đồng thời, đánh giá học sinh trong từng hoạt động học tập, từng công đoạn học tập.

Việc nhận xét học sinh cần cụ thể theo từng mức độ: Hoàn thành, chưa hoàn thành. Cần phân loại mức độ hoàn thành của học sinh để có lời nhận xét phù hợp và lời nhận xét bao gồm cả đánh giá năng lực, phẩm chất qua biểu hiện của học sinh trong từng giờ học.

Thêm một lưu ý là nhận xét cần ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng, bám sát mục tiêu bài học, đánh giá từng cá nhân học sinh và phải đảm bảo các yêu cầu: Động viên, khích lệ với những nội dung học sinh đã làm được; chỉ ra được điểm yếu của học sinh, nguyên nhân học sinh sai; chỉ ra cách thức giúp học sinh sửa sai.

Với đánh giá hàng ngày, giáo viên được quán triệt chủ yếu đánh giá bằng lời, những trường hợp đặc biệt như lỗi lặp lại nhiều lần, lỗi cần thông báo tới cha mẹ học sinh, ... thì ghi vào vở của học sinh.

Trong đó lưu ý, tuyệt đối không so sánh học sinh này này với học sinh kia, mà chỉ so sánh bản thân em đó qua từng giai đoạn học tập.

Xây dựng bộ công cụ đánh giá thường xuyên quá trình học tập, hoạt động giáo dục cho các môn học của tháng 10 ở khối lớp 1.

Cùng với những lưu ý này, theo Hiệu trưởng Hồ Thị Tươi, trường còn tổ chức các tiết dạy minh họa có nội dung đánh giá học sinh theo Thông tư 30, nhận xét, góp ý về việc đánh giá học sinh của giáo viên

Mỗi giáo viên chỉ cần thiết kế một sổ theo dõi

Sổ theo dõi chất lượng cũng là nội dung được Ban Giám hiệu Trường tiểu học số 2 Thị trấn đặc biệt chú ý khi triển khai đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới.

Theo đó, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo việc sử dụng Sổ theo dõi chất lượng giáo dục tạm thời như sau:

Một giáo viên dù dạy một môn hay nhiều môn, chỉ cần thiết kế một cuốn sổ (bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục. Sổ do giáo viên quản lý sử dụng, có thể để tại lớp hoặc tại trường, hoặc mang về nhà. Trang bìa của sổ chỉ in tên Phòng GD&ĐT, đơn vị trường.

Đối với các lớp VNEN (lớp 2,3,4,5), sổ nhật kí đánh giá học sinh của giáo viên được thay thế bằng sổ theo dõi chất lượng giáo dục như hướng dẫn ở Thông tư 30.

Giáo viên các lớp VNEN tiếp tục sử dụng Sổ tổng hợp đánh giá học sinh mô hình trường học mới Việt Nam cho đến khi học sinh học hết cấp học. Sổ tổng hợp đánh giá học sinh mô hình trường học mới Việt Nam thay thế cho Học bạ của học sinh.

Đối với khối lớp 1 chưa sử dụng sổ tổng hợp đánh giá học sinh mô hình trường học mới Việt Nam, bắt đầu sử dụng Học bạ theo hướng dẫn tại Thông tư 30/2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ