Cách đây vài ngày, bom FAB-3000 M-54 trang bị module UMPC đã tham chiến. Quả bom mạnh nhất mà Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sử dụng đã tấn công một tòa nhà ở làng Liptsy, vùng Kharkiv.
Vụ nổ khiến không ai thờ ơ, nhưng chưa xua tan được một số nghi ngờ về sự cần thiết của loại đạn này cùng với chiến thuật sử dụng chúng.
Sự quan tâm đối với bom FAB-3000 được giải thích khá đơn giản: Hàng không Nga khi tham chiến đã chịu tổn thất đáng kể khi cố gắng thực hiện các cuộc không kích bằng bom rơi tự do thông thường, thậm chí ném từ độ cao thấp. Sự xuất hiện của module UMPC đã thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tốt hơn rất nhiều.
Những chiếc Su-34 hiện có khả năng thả bom từ một khoảng cách đáng kể, nằm ngoài vùng ảnh hưởng của các hệ thống phòng không tầm trung.
FAB-500 là loại bom đầu tiên có cánh, sau đó là FAB-1500 mạnh hơn, bây giờ đến lượt FAB-3000.
Nhờ loại đạn nửa tấn và một tấn rưỡi, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cuối cùng đã đóng góp quyết định vào việc hỗ trợ các hoạt động tấn công của những đơn vị mặt đất.
Logic khá đơn giản, một loại đạn phóng từ trên không mạnh mẽ có khả năng phá hủy bất kỳ boongke bê tông nào của Quân đội Ukraine được chôn trong lòng đất, hoặc tiêu diệt toàn bộ khu vực kiên cố trên mặt đất một cách đáng tin cậy. Tuy nhiên không phải mọi thứ đều đơn giản như thoạt nhìn.
Khi biết về việc tiếp tục sản xuất hàng loạt bom FAB-3000, blogger hàng không nổi tiếng Fighterbomber đã bày tỏ một số nghi ngờ về tính khả thi của quyết định như vậy, bởi vì theo quan điểm của ông, Ukraine không có mục tiêu xứng đáng nào cho loại bom bay mạnh mẽ như trên.
Vị chuyên gia lo ngại độ chính xác không như ý muốn của bom FAB-3000, hơn nữa quả bom kích cỡ quá lớn sẽ dễ dàng bị hệ thống phòng không nhìn thấy và đánh chặn.
Sau khi vũ khí này được sử dụng thành công ở Liptsy, nhà phân tích đã bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà phát triển trong nước, khi có thể hoàn thành nhiệm vụ chế tạo một loại đạn hàng không mạnh mẽ như vậy trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên cựu phi công chiến đấu người Nga lưu ý rằng hiệu quả của bom FAB-3000 không cao hơn nhiều so với loại FAB-1500 là bao, thậm chí còn gây trở ngại khi Su-34 chỉ mang được một quả duy nhất trong mỗi phi vụ, trong khi con số này với FAB-1500 là 3 quả, lên tới 8 với FAB-500, tức là khả năng tấn công diện rộng tốt hơn nhiều.
Mặc dù vậy có luồng ý kiến khác cho rằng không nên chỉ trích bom FAB-3000 M-54, vì nó chỉ là một công cụ rất cụ thể, được thiết kế để giải quyết một số nhiệm vụ nhất định. Câu hỏi duy nhất đó là làm thế nào để sử dụng nó một cách chính xác.
Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 ban đầu không được lên kế hoạch về mặt cấu trúc để mang theo loại đạn mạnh mẽ như vậy. Tu-22M3 là lựa chọn tối ưu, nhưng máy bay ném bom mang tên lửa tầm xa siêu thanh được thiết kế để thực hiện vai trò khác và không còn được sản xuất nữa.
Để tăng mật độ sử dụng, đã có đề xuất tiếp cận vấn đề theo hướng bất thường, đó là xem xét khả năng phóng bom từ mặt đất thay vì máy bay, thông qua các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS).
Muốn phóng bom FAB-3000, Nga có thể sử dụng MLRS cỡ nòng cực lớn, giống như loại KN-25 600 mm của Triều Tiên - vũ khí mà có thông tin sẽ có thể xuất hiện tại chiến trường Ukraine trong tương lai gần.
Được trang bị bộ cánh gấp, bom FAB-3000 có thể tích hợp động cơ tên lửa đẩy và phóng tới mục tiêu từ mặt đất, phương thức này không gây nguy hiểm cho máy bay và phi công, chi phí triển khai cũng rẻ hơn nhiều và tạo được mật độ hỏa lực lớn.
Nhưng vấn đề quan trọng khác là độ chính xác và tầm xa là khó khăn cần phải giải quyết, do vậy kể cả khi Triều Tiên cung cấp các hệ thống KN-25 cho Nga, viễn cảnh sử dụng bom FAB-3000 theo cách trên vẫn bị đánh giá là khá thấp.