Bơi lội Việt Nam sẽ đổi màu huy chương tại ASIAD 19?

GD&TĐ - Trên đường đua xanh tại Campuchia, đội tuyển bơi Việt Nam không thể tái lập kỳ tích đoạt 11 Huy chương Vàng như ở SEA Games 31.

Huy Hoàng hướng đến mục tiêu đổi màu huy chương tại ASIAD 19. Ảnh: INT.
Huy Hoàng hướng đến mục tiêu đổi màu huy chương tại ASIAD 19. Ảnh: INT.

Không hoàn thành chỉ tiêu ở SEA Games 32, song đội tuyển bơi Việt Nam với dàn vận động viên trẻ trung, giàu tiềm năng đang tự tin hướng đến những sân chơi lớn, mục tiêu cao hơn như ASIAD 19 và vòng loại Olympic Paris 2024.

Những gương mặt tiềm năng

Trên đường đua xanh tại Campuchia, đội tuyển bơi Việt Nam không thể tái lập kỳ tích đoạt 11 Huy chương Vàng như ở SEA Games 31, thành tích tốt nhất của đội trong lịch sử tham dự đại hội thể thao khu vực.

Cụ thể ở SEA Games 32, bơi lội Việt Nam giành được 7 Huy chương Vàng do công của Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo (mỗi người 2 Huy chương Vàng cá nhân), 1 Huy chương Vàng tiếp sức 4x200m tự do (Hưng Nguyên, Kim Sơn, Huy Hoàng, Quý Phước).

Như vậy, đội tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 32 kém chỉ tiêu đặt ra đúng 1 Huy chương Vàng. Tuy nhiên, ở kỳ đại hội năm ngoái, Huy chương Vàng nội dung tiếp sức 4x100m tự do của chúng ta có phần may mắn, bởi 2 ứng cử viên hàng đầu là Singapore và Malaysia đều bị loại do lỗi xuất phát.

Năm nay, việc chủ nhà Campuchia bỏ nội dung 800m tự do sở trường của Huy Hoàng vô hình trung khiến đội bơi Việt Nam “mất” 1 Huy chương Vàng. Một nội dung sở trường khác của Hoàng, 200m bướm bị xếp liền kề với nội dung 400m tự do (cách nhau chỉ 5 phút) buộc kình ngư Việt Nam phải chọn 1, bỏ 1.

Bên cạnh đó, sau khi Ánh Viên chia tay đội tuyển quốc gia, 18 Huy chương Vàng trong 2 kỳ SEA Games gần đây của bơi lội Việt Nam đều do công các nam vận động viên. Trên bảng tổng sắp môn bơi SEA Games 32, đội Việt Nam đứng sau Singapore với khoảng cách Huy chương Vàng rất xa (7 so với 22), nhưng chúng ta tiếp tục tạo ra cách biệt đáng kể với Thái Lan và Indonesia.

Nếu chỉ tính các nội dung nam, bơi Việt Nam chỉ kém Singapore đúng 1 Huy chương Vàng (7 so với 8). Sự chênh lệch giữa đội nam và đội nữ bơi Việt Nam là điều dễ hiểu, bởi hầu hết các nữ vận động viên Việt Nam đều còn trẻ.

Huấn luyện viên đội tuyển bơi Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Vũ cho biết: Thành tích của Huy Hoàng không như sự kỳ vọng của khán giả, song điều đó nằm trong dự tính của ban huấn luyện. Chúng tôi xác định SEA Games 32 không phải điểm rơi phong độ của Hoàng. ASIAD 19 mới là mục tiêu chính của cậu ấy trong năm nay.

Các tay bơi nữ chưa có Huy chương Vàng sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Một phần khoảng trống của Ánh Viên để lại quá lớn, không dễ thay thế trong 1 - 2 năm. Tuy nhiên, bơi nữ Việt Nam có gương mặt trẻ Nguyễn Thúy Hiền. Kình ngư 14 tuổi này, nhỏ tuổi nhất đoàn thể thao Việt Nam tại Campuchia hứa hẹn sẽ đoạt Huy chương Vàng trong tương lai gần.

Tại SEA Games 32, Nguyễn Thúy Hiền bất ngờ giành Huy chương Đồng nội dung 100m tự do nữ với thành tích 56,42 giây, cô về sau Quah Ting Wen (55,83 giây) của Singapore và Jasmine Alkhaldi (56,12 giây) của Philippines.

Nên nhớ, Quah Ting Wen đã giành 26 Huy chương Vàng SEA Games, trong đó, Huy chương Vàng đầu tiên kình ngư Singapore giành được là SEA Games 2007, khi mới 15 tuổi.

Đáng chú ý, Quah Ting Wen và Jasmine Alkhaldi đã chạm ngưỡng 30 tuổi, rất khó duy trì phong độ và thành tích ở kỳ SEA Games tiếp theo. Ở tuổi 14, Thúy Hiền còn nhiều tiềm năng và “tiểu tiên cá” Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ trong các cuộc tranh tài phía trước.

Phạm Thanh Bảo cũng là gương mặt vàng của đội tuyển bơi Việt Nam. Kình ngư quê Bến Tre mới 21 tuổi, đà phát triển của anh chưa dừng lại. Tại SEA Games 31, Thanh Bảo đoạt 2 Huy chương Vàng nội dung 50m ếch và 100m ếch. Đến SEA Games 32, anh giữ vững thành tích 2 Huy chương Vàng nhưng với nội dung 100m và 200m ếch.

Sở dĩ Bảo “sa sút” ở nội dung 50m ếch là nằm trong toan tính của ban huấn luyện muốn anh tập trung vào nội dung 100m và 200m ếch để có thể vươn tới mục tiêu tranh chấp huy chương tầm châu lục. Thực tế, Thanh Bảo không chỉ xuất sắc về nhất nội dung 200m ếch nam, mà với thành tích 2 phút 11 giây 45, anh còn lập kỷ lục SEA Games.

Tại SEA Games 32, Trần Hưng Nguyên giành 3 Huy chương Vàng (2 cá nhân và 1 đồng đội), 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Dù không thể bảo vệ được thành tích 4 Huy chương Vàng như SEA Games 31, song kình ngư sinh năm 2003 cho thấy những tiến bộ đáng kể về thông số chuyên môn.

Thất bại của Nguyên ở nội dung 200m bơi ngửa trước thần đồng Thái Lan, Kanteemool Tonnam sẽ là động lực cho kình ngư Việt Nam vươn lên. Ở cự ly này, kình ngư 20 tuổi của Việt Nam về đích sau 2 phút 01,34 giây, nhanh hơn năm ngoái (2 phút 01,58 giây), nhưng kém Kanteemool Tonnam (2 phút 01,29 giây). Vậy nên, nếu giữ được đà tiến bộ hiện tại, chàng trai quê Quảng Bình hoàn toàn có thể giành được huy chương ở những sân chơi lớn hơn.

Kình ngư Trần Hưng Nguyên. Ảnh: INT.

Kình ngư Trần Hưng Nguyên. Ảnh: INT.

Cuộc đua ra “đại dương”

Sau SEA Games 32, đội tuyển bơi Việt Nam sẽ bước vào những sân chơi lớn hơn, đó là ASIAD 19 và cuộc đua đến Thế vận hội tại Pháp vào năm tới. Tại Olympic Tokyo 2020, bơi Việt Nam có hai đại diện góp mặt là Huy Hoàng và Ánh Viên, song cả hai đều không gây được bất ngờ tại đấu trường này. Đây là kết quả đã được dự báo từ trước.

Không chỉ Việt Nam, mà các kình ngư châu Á cũng khó lòng chen chân vào nhóm tranh huy chương tại các kỳ Thế vận hội mùa Hè. Đơn cử ở nội dung 800m và 1.500m sở trường của Huy Hoàng, không có vận động viên nào của châu Á sánh kịp thành tích của anh tại Tokyo, song kình ngư Việt Nam không thể giành suất vào thi đấu chung kết.

Với thể thao Việt Nam lúc này, tranh huy chương Olympic là nhiệm vụ bất khả thi, mục tiêu của chúng ta sẽ giành được bao nhiêu suất đến Thế vận hội. Riêng với đội tuyển bơi, chúng ta cần thêm thời gian rất dài để có thể tạo ra một Ánh Viên mới, song các kình ngư nam đã có bước tiến vượt bậc để khẳng định vị thế ở đấu trường khu vực, tạo tiền đề để bơi Việt Nam chinh phục những đấu trường châu lục và thế giới.

Điều đó có thể giúp đội tuyển bơi Việt Nam hy vọng lặp lại thành tích 2 suất tham dự Thế vận hội như ở Nhật Bản. Và nếu vượt qua số 2, bơi lội Việt Nam sẽ chứng tỏ sự tiến bộ rất lớn, với những gương mặt trẻ.

Bên cạnh cuộc đua đạt chuẩn tham dự Olympic Paris 2024, tháng 9 tới, đội tuyển bơi cùng đoàn thể thao Việt Nam sẽ tranh tài tại ASIAD 19. Hy vọng huy chương của bơi Việt Nam đang được đặt cả vào Huy Hoàng, thậm chí giới chuyên môn kỳ vọng kình ngư Việt Nam sẽ đổi màu huy chương sau khi giành Huy chương Bạc cự ly 1.500 m ASIAD 18.

Nội dung này ở kỳ đại hội 5 năm trước, kình ngư Sun Yang (Trung Quốc) đoạt Huy chương Vàng. Cơ hội mở ra cho Huy Hoàng bởi Sun Yang không được tham dự ASIAD 19, do án phạt cấm thi đấu 4 năm vì doping.

Tuy nhiên, cuộc đua ở nội dung 1.500 m được dự báo vẫn rất khốc liệt. Bơi Trung Quốc đang sở hữu nhiều vận động viên tiềm năng, hứa hẹn sẽ thay thế xứng đáng Sun Yang.

Trong đó, kình ngư Liwei Fei đang gây bất ngờ lớn nhất khi tạm dẫn đầu bảng xếp hạng bơi 1.500m nam châu Á trong năm 2023 với thông số 14 phút 46 giây 59, thành tích tốt hơn cả khi Sun Yang đoạt Huy chương Vàng ASIAD 18 (14 phút 58 giây 53).

Hai năm trước, Liwei Fei chỉ xếp thứ 7 với thông số 15 phút 12 giây 98. Ngoài Trung Quốc, nội dung bơi 1.500m nam tại ASIAD 19 còn có sự đua tranh quyết liệt của các kình ngư Nhật Bản.

Nguyễn Thúy Hiền giành Huy chương Đồng SEA Games 32. Ảnh: INT.

Nguyễn Thúy Hiền giành Huy chương Đồng SEA Games 32. Ảnh: INT.

Theo bảng xếp hạng châu Á mới nhất, Nhật Bản có 2 kình ngư nằm trong tốp 3, đó là Shogo Takeda (15 phút 06 giây 50) và Ikki Imoto (15 phút 08 giây 45).

Trong khi đó, tại ASIAD 18, Huy Hoàng đạt thông số 15 phút 01 giây 63, giành Huy chương Bạc. Năm 2022, Huy Hoàng từng vươn lên số 1 châu Á ở nội dung này khi đạt thời gian 15 phút 00 giây 75, song thành tích ở SEA Games 32 của Huy Hoàng ở cự ly này rơi xuống 15 phút 11 giây 24.

Kình ngư Thanh Bảo. Ảnh: INT.

Kình ngư Thanh Bảo. Ảnh: INT.

Nhưng như đã đề cập, điểm rơi phong độ của Hoàng được tính cho ASIAD 19 chứ không phải giải đấu tại Campuchia. Bà Nguyễn Thị Huyền, phụ trách môn bơi của Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Mục tiêu của đội tuyển bơi Việt Nam tại ASIAD 19 là tập trung vào nội dung 1.500m của Hoàng. Kình ngư này cùng một số tuyển thủ trọng điểm đang trong quá trình tập huấn dài hạn tại Câu lạc bộ BVSC (Budapest, Hungary). Ở tập huấn lần này, các kình ngư tiếp tục nhận được sự huấn luyện của chuyên gia Nagy Peter”.

ASIAD là sân chơi được ví như “biển lớn”, nhiều thách thức cho đội tuyển bơi Việt Nam. Đường đua 1.500m nam chắc chắn khó lường. Nhưng bảng xếp hạng, thành tích quá khứ có khi chỉ mang tính tham khảo.

Sự thành bại còn phụ thuộc vào kỹ, chiến thuật trên đường đua, cũng như bản lĩnh và quyết tâm. Hy vọng Huy Hoàng sẽ bình tĩnh, tự tin, vượt khó và thể hiện đúng những toan tính của ban huấn luyện đội tuyển bơi Việt Nam.

Đội tuyển bơi Việt Nam chỉ có 3 tuyển thủ Hưng Nguyên, Huy Hoàng, Thanh Bảo tập huấn dài hạn tại Hungary trong khi các tuyển thủ khác tập tại Việt Nam ở các Trung tâm huấn luyện Thẻ thao Quốc gia TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Rõ ràng, bơi Việt Nam đã và đang nỗ lực chuẩn bị tốt nhất lực lượng từ đó tìm một cơ hội đủ sức tranh tấm Huy chương Vàng danh giá ở Đại hội thể thao châu lục.

Với bộ ba tuyển thủ tại Hungary, các chỉ số chuyên môn đều được giữ kín để bơi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Huy Hoàng cũng không nằm trong danh sách đội tuyển bơi Việt Nam tham dự giải bơi vô địch thế giới 2023, diễn ra từ 23 - 30/7 tại Fukuoka, Nhật Bản. Đó là chiến thuật của đội tuyển bơi Việt Nam để làm thế nào giữ được tuyển thủ tốt nhất của chúng ta không bị lộ diện sớm trước đối thủ, trong nỗ lực đổi màu huy chương tại ASIAD 19, đồng thời đạt chuẩn dự Olympic Paris 2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ