Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng để rồi theo chân anh Nguyễn Văn Trung vừa tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa livestream với mẹ mình như thế...
“Sẽ đưa mẹ ra thăm Lăng Bác!”
Sau những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, Bảo tàng Hồ Chí Minh mở cửa trở lại cùng với khai mạc trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh – Những nét phác họa chân dung”. Có thể thấy, dù dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp song vẫn không thể cản được bước chân của những người con ở mọi nơi về Thủ đô viếng Bác...
Anh Nguyễn Văn Trung đã một mình lặn lội từ Sóc Trăng ra Hà Nội viếng Bác. Cũng đã hơn 10 năm mới thu xếp được công việc để về viếng Bác nên trong lòng anh Trung dâng trào biết bao cảm xúc chẳng thể nói thành lời. Cảm xúc ấy càng thêm dâng trào khi anh còn đóng vai trò là người “dẫn chuyện” cho mẹ vợ của mình qua livestream để bà được thấy từ nhà sàn, ao cá, vườn cây... đến biết bao kỷ vật năm xưa của Bác Hồ được trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Anh Trung đã dừng lại khá lâu bên hình ảnh Bác Hồ thời trẻ và liên tục nói: “Mẹ thấy chưa, mẹ đọc được không?”, ở mãi “đầu cầu” Sóc Trăng, người mẹ cũng lắng lại cùng những cái gật đầu hoặc đôi lúc bà hỏi: “Bác Hồ thời trẻ à con? Con lại gần hơn đi? Mẹ không đọc được?”... “Mẹ vợ tôi năm nay ngoài 50 tuổi nhưng chưa một lần được ra Hà Nội viếng Lăng Bác. Đây là lần đầu tiên bà được “viếng Lăng Bác”, bà vui và xúc động lắm. Nhất định sang năm tôi sẽ thu xếp để bà và vợ con của tôi ra Hà Nội viếng Lăng Bác trực tiếp”, anh Trung nói.
Cũng từ Sài Gòn ra Bắc để thăm quê hương, bà Đỗ Thị Hải (73 tuổi) đã có lời với người cháu của mình đang ở Hà Nội rằng bà có tâm nguyện được đến viếng Lăng Bác Hồ lần nữa, kẻo tuổi già không biết nay mai sống chết thế nào... Thế là bà đã được cháu mình đưa đi viếng Lăng Bác Hồ, vào tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đến phòng trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”, bà Hải cứ ngắm nghía mãi hai hiện vật mới được bảo tàng đưa vào trưng bày: Chiếc áo trấn thủ và thanh gươm - hai kỷ vật Bác Hồ đã tặng cho cụ Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành, người Mông còn gọi là “Vua Mèo”) hồi những năm 1950.
Bà Hải gật gù bảo, đây là hai kỷ vật lần đầu bà được thấy. Chúng thật đẹp và thật quý, thể hiện cái tài trọng dụng người tài của Bác Hồ. “Vậy mà cũng đã gần 20 năm rồi tôi mới được về viếng Bác. Tôi thấy mọi thứ thay đổi nhiều nhưng vẫn luôn ấm áp, xúc động... Đối với tôi, Bác luôn mãi trong lòng, tôi thấy vô cùng mãn nguyện!”, bà Hải rưng rưng nói.
“Nhớ Hồ Chủ tịch muôn đời không quên!”
Bà Đỗ Thị Hà, 82 tuổi (thôn Chùa, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cứ tần ngần đứng bên những bức ảnh kể chuyện Bác Hồ kéo lưới cùng ngư dân ở bãi biển Sầm Sơn (1960), Bác Hồ tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông, Hà Nội (1958), Bác Hồ thử máy cấy lúa tại trại thí nghiệm lúa ở Hà Nội (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh tăng gia sản xuất tại chiến khu Việt Bắc... của phòng trưng bày chuyên đề “Hồ Chủ tịch – Những nét phác họa chân dung”.
Khẽ lau nước mắt, bà Hà bảo, với bà, Bác Hồ là một lãnh tụ rất đỗi bình dị, nhân hậu. Bác luôn hòa đồng cùng quần chúng khi Bác tát nước, kéo lưới... cùng bà con nông dân, ngư dân. Gặp lại hình ảnh của Bác ở đây, lòng bà lại dâng trào biết bao niềm xúc động, sự biết ơn về Người. Vừa ngắm nhìn những hiện vật khác, bà Hà khẽ nhẩm câu hát: “Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa. Bác thương đàn cháu nhỏ Trung thu gửi cho quà...”. Và rồi, bà rưng rưng đọc những vần thơ: “...Trông lên mái tóc chòm râu/ Miệng Bác cười tươi như hoa /Bác ơi bác vội đi đâu?... Để cho cả khắp năm châu nhớ người/ Bây giờ nước đã độc lập rồi/ Nhớ Hồ Chủ tịch muôn đời không quên...”.
Tung tẩy cùng mẹ bước vào phòng trưng bày, bé Vân Anh (5 tuổi) tròn xoe mắt trước biết bao hình ảnh, kỷ vật. Người mẹ trẻ thì cần mẫn đọc chú thích từng hiện vật cho con gái nghe. Đây là đôi guốc mộc, đôi dép cao su, bộ quần áo gụ bằng vải lụa, cây gậy song... Kia là chiếc quạt lá cọ, chiếc mũ len, cây đèn điện... Bác Hồ thường dùng. Bé Vân Anh đặc biệt thích ngắm bức tượng bán thân của Bác Hồ để rồi miệng tròn vo hớp lấy từng lời mẹ đọc: “Pho tượng do các chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp bắt đã bí mật mang theo ra nhà tù Côn Đảo những năm 1940. Giám ngục Côn Đảo khi đó là Pôn Ăngtoannơ Minicôni đã phát hiện và tịch thu.
Tuy nhiên, tôn trọng tình cảm, lòng trung thành của những người chiến sĩ cộng sản đối với Hồ Chủ tịch, ông đã quyết định giữ gìn bức tượng và đưa về Pháp như một kỷ niệm của riêng mình về những năm tháng làm việc tại Côn Đảo. Trước khi mất, ông đã để lại bức tượng cho người con trai Pôn Minicôni. Cuối năm 2018, thực hiện di nguyện của cha mình, ông Pôn Minicôni đã trao tặng pho tượng cho Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp. Ngày 25/2/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bàn giao pho tượng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ và phát huy giá trị”.
“Chúng tôi đi xe máy từ Vĩnh Phúc về Hà Nội để khám bệnh. Nhưng nhớ là Lăng Bác Hồ chỉ mở cửa buổi sáng nên tôi đưa con gái vào Lăng viếng Bác cũng như tham quan bảo tàng trước. Tối qua, khi nghe mẹ nói sẽ đưa đi viếng Lăng Bác, con bé tự giác đi ngủ sớm, sáng cũng thức dậy sớm. Trên đường đi, con bé hát mãi bài “Đoàn quân Việt Nam đi”. Với riêng tôi, nhớ nhất là lần đầu tiên được đoàn thanh niên của xã tổ chức đi viếng Lăng Bác (hồi học lớp 8), cả đêm đó tôi không ngủ. Còn bây giờ, dù đã nhiều lần về viếng Lăng Bác nhưng lúc nào cũng là cảm xúc bồi hồi khó tả”, mẹ bé Vân Anh chia sẻ.
Đến tham quan phòng trưng bày chuyên đề, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Xây dựng Nguyễn Thị Hồng Hải cũng chăm chú đọc, xem từng hiện vật. Với Hải, đây là dịp để cô về viếng Lăng Bác, ôn lại những câu chuyện về Bác giữa không gian thật yên bình, lắng đọng. “Tôi vẫn luôn đọc những câu chuyện về Bác. Nghị lực của Bác là điều mà tôi tâm đắc nhất và cũng lấy đó để học hỏi. Hôm nay về viếng Lăng Bác, tôi thầm hứa với Bác sẽ có một kết quả học tập thật tốt dù do ảnh hưởng dịch Covid-19, chúng tôi không thể học trực tiếp tại giảng đường”, sinh viên Nguyễn Hồng Hải bày tỏ.