Kể chuyện quá khứ thật hấp dẫn
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, tập huấn giáo dục Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông là điểm nhấn của năm học 2019 - 2020, với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông về giáo dục Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều năm qua, Lịch sử vẫn được coi là một lĩnh vực “khó nhằn”, khó thu hút được học sinh. Trong chương trình hiện hành, với mục tiêu là khối lượng kiến thức học sinh nắm bắt được nên giáo viên vẫn đang chú trọng truyền thụ kiến thức mà ít quan tâm đến việc học sinh có thể vận dụng kiến thức đó để giải quyết những vấn đề gì trong cuộc sống. Mặt khác, chương trình - sách giáo khoa Lịch sử còn nặng về kiến thức, thầy cô còn chú trọng quá nhiều trong việc bắt học sinh ghi nhớ dữ liệu, số liệu… vẫn còn tình trạng một số thầy cô chưa thực sự tâm huyết, nên kết quả học Lịch sử của học sinh chưa cao.
Đặc biệt, với thực tế có tới hơn 70% học sinh đạt điểm Lịch sử dưới 5 trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018, giáo dục Lịch sử trong nhà trường phổ thông đang là vấn đề được Bộ GD&ĐT cũng như người dân trong xã hội đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, có thể nói đây là một trong những hành động thiết thực của Bộ GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử trong nhà trường phổ thông.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, để đón đầu Chương trình GDPT 2018, các nhà trường cần chuyển mạnh sang dạy học phát triển năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, dạy học tiếp cận năng lực không có nghĩa là hoàn toàn bỏ qua kiến thức, mà là đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi cách dạy lấy truyền thụ kiến thức là chính. Thầy cô cần dạy thế nào để học sinh có khả năng sử dụng kiến thức giải quyết vấn đề trong thực tế đời sống. Nếu nói dạy học Lịch sử là kể lại câu chuyện quá khứ, thầy cô cần kể câu chuyện ấy thật hấp dẫn.
Đổi mới tư duy đánh giá
GS. TS Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 trình bày tại lớp tập huấn |
Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018, đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo hướng phát triển năng lực là vấn đề quan trọng nhất trong quá trình chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới. Việc dạy và học phải đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; tập trung rèn luyện năng lực tự học. Thầy cô cần khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học linh hoạt, sáng tạo, làm sao để “làm sống lại lịch sử, đưa lịch sử lại gần với học sinh”.
GS Phạm Hồng Tung cũng cho rằng, để thực hiện tốt giáo dục Lịch sử trong nhà trường phổ thông, cần thay đổi tư duy về kiểm tra đánh giá. Thay vì ra đề kiểm tra tập trung vào các “khe hẹp” mà học sinh có thể chưa được học kỹ, các nhà giáo dục cần lựa chọn đề thi trong phạm vi mà học sinh có thể tự tin làm bài. “Đánh giá mà để học sinh lúc nào cũng cảm giác e sợ, thiếu tự tin chưa phải là cách đánh giá tốt. Cần đánh giá để các em có cảm giác được khuyến khích, động viên từ đó nỗ lực học tập hơn” - GS Tung cho biết.