Chương trình do Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Cục Thông tin KHCN – Bộ KH&CN tổ chức, nhằm mục tiêu nâng cao kỹ năng khai thác nguồn tin, viết các bài báo khoa học và công bố quốc tế.
Theo đó, Đại học Thái Nguyên là một trong 3 Đại học vùng, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước. Trong những năm qua, Đại học Thái Nguyên đã và đang huy động tối đa các nguồn lực và lợi thế của đại học vùng để xây dựng môi trường đào tạo chất lượng cao, sáng tạo, linh hoạt và hội nhập.
Theo đó, Đại học Thái Nguyên luôn đứng trong top 10 các trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam, xếp hạng 3/35 về chỉ số nội lực. Trong 5 năm qua các nhà khoa học Đại học Thái Nguyên đã công bố 11.292 bài báo, trong đó có 7.248 bài được đăng trên các tạp chí trong nước, 1.328 bài đăng trên các tạp chí quốc tế; đặc biệt, có 2.142 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín (Wos/Scopus).
Hiện nay, nguồn nhân lực nghiên cứu Khoa học Công nghệ của Đại học Thái Nguyên gồm 3.776 viên chức và người lao động, trong đó có 2.454 cán bộ giảng dạy, gần 900 tiến sĩ; trong đó hơn 135 giáo sư, phó giáo sư.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Cục Thông tin Khoa học công nghệ giới thiệu về hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo của Cục; Hướng dẫn khai thác cơ sở dữ liệu của Trung tâm Số; Vai trò của cơ sở dữ liệu Science Direct và các cơ sở dữ liệu khác với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Đại học Thái Nguyên; Những đổi mới của cơ sở dữ liệu Science Direct hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong nghiên cứu và bí quyết xuất bản các bài báo có chỉ số ảnh hưởng cao.
Thông qua hội thảo sẽ góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của các nhà khoa học đồng thời bồi dưỡng, nâng cao năng lực về nghiên cứu, công bố khoa học cho cán bộ giảng viên Đại học Thái Nguyên, đặc biệt là các giảng viên trẻ.