Bồi dưỡng HSG cũng như xây nhà, phải bắt đầu từ nền móng

GD&TĐ - “Nhiều giáo viên, học sinh quan niệm: Giỏi là trên mức bình thường. Vì vậy kiến thức ôn luyện học sinh giỏi phải cao sâu... Thực tế không hoàn toàn như vậy. Giống như việc chúng ta xây nhà, phải bắt đầu từ nền móng”.

Bồi dưỡng HSG cũng như xây nhà, phải bắt đầu từ nền móng

Đó là lưu ý đầu tiên của thầy Nguyễn Duy Tú – giáo viên Trường PTDTNT Than Uyên (Lai Châu) – về việc bồi dưỡng học sinh giỏi Văn.

Nên ôn chắc trước kiến thức cơ bản, trọng tâm

Thầy Nguyễn Duy Tú nhấn mạnh: Không có kiến thức, kĩ năng cơ bản sẽ không có chuyên sâu. Do đó, nên ôn cho học sinh hiểu và nhớ kiến thức cơ bản trọng tâm trong chương trình phổ thông trước.

Khi đã có vốn kiến thức cơ bản trọng tâm vững chắc, dù có gặp đề khó, học sinh sẽ biết kết hợp cái nền tảng mình đã có chính là kiến thức kĩ năng cơ bản với năng khiếu, sự sáng tạo, cùng với áp lực, động lực thi cử... để giải đáp được mọi câu hỏi mà đề bài yêu cầu.

Đương nhiên việc cung cấp cho các em vốn kiến thức nâng cao và chuyên sâu cũng là điều cần thiết song chỉ nên và chỉ được đưa ra mang tính chất tham khảo và bổ trợ.

Các bước bồi dưỡng về kiến thức 

Các bước bồi dưỡng về kiến thức cho học sinh, theo thầy Nguyễn Duy Tú, có thể theo những bước sau đây:

Bước 1: Cung cấp đầy đủ những kiến thức lí thuyết định hướng thực hành:

Không có lí thuyết định hướng học sinh sẽ rơi vào tình trạng nói, viết tuỳ tiện. Có những giờ bồi dưỡng chỉ nhằm rèn luyện một thao tác, khẳng định một phần kiến thức nhưng có giờ giáo viên nhằm vào việc củng cố, làm rõ nhiều vấn đề lí thuyết và nhiều kĩ năng.

Những lí thuyết này có thể học sinh chưa học trong chương trình chính khoá, có thể giáo viên củng cố, khẳng định, nâng cao hơn lí thuyết học sinh đã học. Bởi vậy, khi cung cấp giáo viên luôn quan tâm đến từng đối tượng tiếp nhận để học sinh thấy tầm quan trong của lí thuyết và ý nghĩa của lí thuyết đối với thực hành.

Ví dụ: Khi ôn học sinh giỏi lớp 7 phần văn nghị luận - học kì II, việc đầu tiên giáo viên cung cấp kiến thức đơn giản có trong sách giáo khoa như: Thế nào là văn nghị luận? đặc điểm của luận điểm, luận cứ, lập luận và phương pháp lập luận trong văn nghị luận? Sau đó, giúp học sinh hiểu cách làm bài văn nghị luận chứng minh, nghị luận giải thích, nghị luận chứng minh kết hợp với giải thích.

Tiếp theo, giáo viên cung cấp kiến thức về văn bản như: “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” - Hồ Chí Minh; “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” - Phạm Văn Đồng... Học sinh hiểu kiến thức nội dung, nghệ thuật của văn bản và khắc sâu hơn kiến thức về đặc điểm của văn nghị luận. Từ lí thuyết đã cung cấp, học sinh có cơ sở để thực hành.

Bước 2 - Chuẩn bị tốt nội dung viết: Chỉ có kiến thức lí thuyết về các kiểu bài văn và các thao tác làm văn, học sinh chưa thể tạo ra một bài văn tốt. Học sinh sẽ không biết viết gì trong bài làm của mình khi chưa có hiểu biết đầy đủ về đối tượng trình bày.

Bởi vậy tư liệu, kiến thức càng sâu, rộng, phong phú, đa dạng thì nội dung càng hàm súc, chặt chẽ. Giáo viên cần cung cấp thêm kiến thức sâu, rộng của vấn đề từ đó học sinh có cái nền vững chắc cho bài viết.

Giáo viên cũng cần hướng dẫn học sinh, không phải tất cả hiểu biết đều đưa vào bài mà cần biết chọn lọc, lựa chọn cái gì trong vốn hiểu biết của mình cho phù hợp với đề bài. Do vậy việc chuẩn bị tốt những nội dung cho học sinh lựa chọn là điều không thể thiếu trước khi làm bài.

Chẳng hạn, với đề văn “Hãy phân tích tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thể hiện trong đoạn trích “Nước Đại Việt ta” - Ngữ Văn 8, tập II, ít ra học sinh phải nắm các nội dung cụ thể: Thế nào là tư tưởng nhân nghĩa? và có thêm kiến thức như: thời đại, thân thế và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn trãi… càng nhiều càng tốt.

Hay khi bồi dưỡng về mảng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du -Văn 9, tập I, giáo viên không thể không cung cấp những câu chuyện xoay quanh những điển tích, điển cố được tác giả sử dụng trong các đoạn trích.

Thiếu những hiểu biết đó, đặc biệt những kiến thức phục vụ trực tiếp cho đề bài, học sinh không thể không tránh khỏi lúng túng khi triển khai bài viết của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ