Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2020 - 2021, Cần Thơ là địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số học sinh đoạt giải.
Quả ngọt
Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2020 - 2021, học sinh TP Cần Thơ có 30 giải, gồm: 2 giải Nhất (môn Tiếng Anh và Tiếng Pháp), 8 giải Nhì (môn Tiếng Anh, Hóa học, Sinh học), 7 giải Ba (Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh) và 13 giải Khuyến khích. Đặc biệt, 2 học sinh đoạt giải Nhất môn Tiếng Anh và Tiếng Pháp có số điểm thi cao nhất cả nước. Đây là lần đầu tiên ngành GD-ĐT TP Cần Thơ có được kết quả cao về số lượng và chất lượng giải.
Năm học 2019 - 2020, TP Cần Thơ có hơn 1.600 học sinh giỏi các kỳ thi cấp thành phố; 28 học sinh đạt học sinh giỏi THPT cấp quốc gia; 1 Dự án đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia. Đặc biệt, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019 - 2020, TP Cần Thơ giành 1 giải Nhất, 8 giải Nhì, 8 giải Ba, 11 giải Khuyến khích.
Để đạt được những thành tích đó, ngoài sự nỗ lực của học sinh, tận tâm, nhiệt huyết của thầy cô giáo, chăm sóc của cha mẹ, còn là sự đầu tư của các cấp, chỉ đạo, định hướng của Sở GD&ĐT trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Chia sẻ về công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Nguyễn Hoàng Phú, giáo viên dạy môn Tin học, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) cho biết: Các em trong đội tuyển học sinh giỏi đều có ý thức tự học, kiến thức vững, khả năng tư duy tốt, nên giảng dạy không quá khó khăn. Tuy nhiên, giáo viên phải không ngừng nỗ lực cập nhật, trang bị kiến thức mới. Nếu không chuẩn bị kỹ kiến thức, phương pháp truyền tải không tốt, các em dễ nhàm chán, không hiệu quả. Điều quan trọng là giáo viên phải nắm bắt tâm lý, hiểu rõ kiến thức và khả năng của học sinh để bồi dưỡng, rèn luyện. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ rất lớn từ Sở GD&ĐT, nhà trường và phụ huynh học sinh, nên việc bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả...
Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2020 - 2021, học sinh Cần Thơ đoạt 2 giải Nhất. Đó là em Quan Phương Khánh, lớp 11D, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (môn Tiếng Anh) và Trần Tuấn Ngọc, lớp 12P, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (môn Tiếng Pháp). Chia sẻ niềm vui, em Khánh và Ngọc cho biết rất biết ơn gia đình, thầy cô, nhà trường đã chăm sóc, bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất để học tập, ôn luyện và dự thi. “Tham gia đội tuyển học sinh giỏi ban đầu có phần áp lực nhưng em và các bạn luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc, động viên của thầy cô và nhà trường. Đặc biệt, thầy cô ôn luyện kiến thức luôn có sự kế thừa, cập nhật và sáng tạo, giúp em cùng các bạn vững kiến thức và tự tin dự thi”, em Tuấn Ngọc chia sẻ…
Còn theo em Lê Minh Phương Uyên (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ), học sinh đầu tiên mang về cho TP Cần Thơ giải Nhất môn Tiếng Anh trong Kỳ thi chọn học sinh cấp quốc gia, có được kết quả này, ngoài nỗ lực bản thân, thầy cô, nhà trường rất quan tâm tạo điều kiện giúp học sinh học tốt, đây là động lực thôi thúc các em nỗ lực theo đuổi ước mơ…
Đầu tư lâu dài
Để phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi phát triển theo hướng bền vững, ổn định và có tính kế thừa. TP Cần Thơ chọn giải pháp đầu tư lâu dài và dành sự quan tâm đến giáo dục mũi nhọn.
Quận Thốt Nốt là quận vùng ven của thành phố nhưng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả nổi bật. Quận là một trong những đơn vị nhiều năm liền có thành tích cao trong các phong trào thi đua, nhất là phong trào mũi nhọn của ngành Giáo dục. Để đạt kết quả này, bên cạnh quan tâm của địa phương, các trường phổ thông chủ động chuẩn bị đầu tư nguồn lực.
Đội ngũ thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi được lựa chọn nhiệt tình, yêu nghề, thường xuyên tự học, rèn luyện nâng cao chuyên môn, đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phần lớn các trường THCS đã chuẩn bị nguồn cho đội tuyển học sinh giỏi từ lúc các em học lớp 6. Các trường THPT, học sinh trúng tuyển lớp 10 được trường chú ý theo sát tình hình học tập, phát hiện, bồi dưỡng…
Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, từ đầu năm học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ năm học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi. Phân công chuyên môn một cách hợp lý, chọn lựa những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao đảm nhận công tác này tại đơn vị.
Song song đó là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung đổi mới phương pháp, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi ở các cấp học. Đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, theo hướng phát hiện sớm những học sinh có năng khiếu để chủ động trong việc tuyển chọn, ôn luyện, bồi dưỡng, tập huấn các đội tuyển học sinh giỏi...