Đó là cô Trần Thị Luyến, giáo viên Trường THPT Tân Yên 1 (Huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Dáng người cao ráo, nhanh nhẹn, ánh mắt luôn toát lên sự say mê về nghề nghiệp, đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận được ở cô Luyến qua câu chuyện trao đổi thật cởi mở, thân tình.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 2, năm 2003 về công tác tại trường THPT Tân Yên 1 với nhiệm vụ dạy môn Sinh học và làm chủ nhiệm lớp. Càng tiếp xúc và đi sâu vào nghề cô càng nhận ra vấn đề mấu chốt của người giáo viên đó là phải không ngừng trau rồi kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo.
Để làm được điều đó đòi hỏi ở mỗi người giáo viên không có con đường nào khác phải tự học, tự bồi dưỡng và rèn luyện chính mình, nên cô vừa giảng dạy vừa tranh thủ tham gia học cao học để nâng cao trình độ. Vốn đam mê với nghề, nên sau khi tốt nghiệp thạc sỹ cô đã nhanh chóng khẳng định bằng chính chất lượng qua kết quả học tập của học sinh.
Dường như năm nào học sinh do cô dạy đều thi đỗ vào các trường đại học tốp đầu với điểm số rất cao, như em Hà Mạnh Công, Nguyễn Thị Trang, hiện đang học Học Viện quân Y Hà Nội, em Thái đang học Trường Đại học Y Hà Nội…
Vì thế từ năm 2012 đến nay cô được nhà trường giao thêm nhiệm vụ giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi của trường. Xác định công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ quan trọng, nên cô cùng các thầy giáo, cô giáo trong trường trăn trở để tìm ra những phương pháp dạy hiệu quả nhất.
Cô luôn tự nhủ bản thân mình phải trau dồi kiến thức, đọc sách báo, tìm hiểu trên Internet để làm phong phú thêm bài giảng của mình, bởi với môn Sinh học đây là một môn rất khó, đòi hỏi tập trung nhiều công sức của thầy và trò.
Do vậy để tạo được động lực cho học sinh niềm đam mê, yêu thích với môn học, cô cũng đồng thời luôn định hướng để các em tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở nền tảng những kiến thức cơ bản nhất để từ đó các em chủ động trong các lời giải…
Ngoài ra bên cạnh phải tự mình xây dựng cho riêng mình kế hoạch ngay từ đầu năm học, là phải luôn đổi mới trong giảng dạy, sử dụng phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát huy khả năng học tập của học sinh.
Chính từ cách làm đó đã cho những trái ngọt khiến đồng nghiệp của cô phải ngưỡng mộ, đó là thành tích của học sinh tham gia tại các kỳ thi học sinh giỏi. Liên tục nhiều năm học sinh của cô đều đạt giải rất cao.
Có năm học sinh của cô đạt liền tới 6 giải, hay như gần đây nhất trong năm học 2016-2017 học sinh của cô tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học đạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba.
Trong câu chuyện cô Luyến chia sẻ: Nghề dạy học cần sự tâm huyết và niềm đam mê. Nhất là phải phát huy vai trò của người giáo viên chủ nhiệm thay vì kiểm điểm, phê bình thì nên biểu dương khen thưởng những em tích cực, từ đó tạo động lực động viên các em còn lại chăm ngoan hơn.
Riêng với em cá biệt thì cần nhẹ nhàng, giải thích để các em hiểu những việc làm không đúng sẽ gây thiệt thòi cho chính bản thân mình…Đặc biệt là phải nắm chắc được đối tượng tâm sinh lý, học lực và năng khiếu của học sinh để truyền đạt kiến thức thông qua bài giảng.
14 năm đứng trên bục giảng, là 14 năm phấn đấu cô Luyến trăn trở, miệt mài với nhiệm vụ là giáo viên dạy Sinh học, giáo viên chủ nhiệm lớp và bồi dưỡng học sinh giỏi. Với những cố gắng của mình, cô đã được UBND tỉnh Bắc Giang tặng 1 Bằng khen, được UBND huyện Tân Yên tặng nhiều Giấy khen và liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua sơ sở”, cô cũng đạt giải nhì cuộc thi Kể chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 năm đạt giải nhất Giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Đó thực sự là động lực, là sự ngưỡng mộ của nhiều giáo viên trẻ. Nhưng với cô Luyến có một niềm say mê, một động lực lớn hơn chính là sự tin yêu của đồng nghiệp và sự kính trọng của học sinh để mình tiếp tục cống hiến đóng góp vào thành tích nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của ngành Giáo dục đào tạo nước nhà nói chung, của huyện Tân Yên nói riêng.