Với học sinh có dự định thay đổi môn lựa chọn sau khi đã hoàn thành chương trình lớp 10, ba tháng hè thực sự là học kỳ 3 khi phải tự tìm chỗ học để bù lấp kiến thức và hoàn thành bài kiểm tra đánh giá các môn cần chuyển đổi.
Học kỳ 3
Sau lễ bế giảng năm học 2023 - 2024, em Doãn Hà Trâm - học sinh lớp 10/10, Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) mượn lại sách, vở các môn Sinh học của bạn bè cùng khối để tự xem toàn bộ kiến thức chương trình lớp 10.
Hà Trâm đang học nhóm môn lựa chọn gồm Vật lý, Hóa học, Địa lý. Em có nguyện vọng thay đổi môn Vật lý. Trâm được tư vấn chỉ 2 lớp có nhóm môn gần trùng khớp để có thể lựa chọn thay đổi. Trong đó, có một lớp có môn Tin học, một lớp có môn Sinh học.
“Em đã xem qua sách giáo khoa môn Tin học và môn Sinh học trước khi quyết định chọn môn thay đổi. Em nhận thấy chuyển sang môn Sinh học sẽ phù hợp vì các lớp ở THCS em có điểm thi môn Sinh khá cao”, Trâm cho biết.
Lý do xin điều chuyển từ môn Vật lý sang môn Sinh học, Doãn Hà Trâm cho biết: “Dù điểm tổng kết môn Vật lý cuối năm đạt 8,0 nhưng em thấy quá trình học khá chật vật vì kiến thức nặng hơn so với sức học. Hơn nữa, sau này em dự định theo học ngành Quản trị khách sạn, em tham khảo tổ hợp môn xét tuyển thì thấy không có môn Vật lý nên quyết định xin điều chỉnh môn học” .
Hà Trâm cho biết, em đang tự học kiến thức môn Sinh học lớp 10 và làm các bài tập. Để có thể hiểu thêm bài, Trâm tìm các bài giảng online và học theo chuyên đề Sinh học trên trang dạy học trực tuyến. “Em tự học được khoảng 1/3 khối lượng kiến thức năm lớp 10. Dù có thể nắm được nội dung cơ bản nhưng em chỉ lo chất lượng bài kiểm tra không cao vì khối lượng kiến thức lớp 10 phải bổ sung khá nhiều”, Trâm cho biết.
Em Thái Nguyên Hoàng - học sinh lớp 10/7, Trường THPT Trần Cao Vân được nhà trường chấp nhận chuyển từ nhóm môn lựa chọn gồm Vật lý - Hóa học - Tin học và Công nghệ sang nhóm môn Vật lý - Tin học - Kinh tế Pháp luật và Địa lý. Điều kiện chuyển lớp là bài kiểm tra chất lượng môn Kinh tế pháp luật và Địa lý của em đạt yêu cầu.
Chị Nguyễn Thị Hương Vy - phụ huynh của Thái Nguyên Hoàng kể: “Trước khi vào năm học, nhà trường đã tổ chức gặp mặt cha mẹ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 để phổ biến chủ trương môn học lựa chọn và các nhóm tổ hợp môn để học sinh, phụ huynh đăng ký.
Hoàng học tốt môn Ngữ Văn và Anh văn nên tôi định hướng con đăng ký nhóm môn lựa chọn thiên về xã hội nhưng cháu lại khăng khăng đăng ký theo học nhóm môn tự nhiên. Sau một học kỳ thì thấy kết quả học tập lệch hẳn các môn xã hội, còn môn Hóa học đuối hẳn. Dù cháu vẫn đạt học sinh giỏi nhưng nếu không thay đổi thì các lớp trên sẽ gặp khó khăn khi tiếp thu bài”.
Để việc ôn tập đúng trọng tâm, Nguyên Hoàng đọc một lượt sách giáo khoa của 2 môn học Kinh tế Pháp luật và Địa lý rồi mới bắt đầu học từng chương, đối chiếu với đề cương ôn tập, bài kiểm tra một tiết và vở ghi bài mượn được của các bạn. Hoàng cho biết, dù đã xây dựng lịch tự học hằng ngày và nghiêm túc thực hiện nhưng em thấy khối lượng kiến thức lớp 10 phải bổ sung khá nhiều, có bài em phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể hiểu được nhưng cũng chưa được cặn kẽ nên dễ quên.
Nhà trường, thầy cô đồng hành
Đến thời điểm này, Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) tiếp nhận 3 trường hợp xin điều chỉnh nguyện vọng môn học sau khi học sinh hoàn thành chương trình học năm lớp 10.
Thầy Phạm Hùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với học sinh có nguyện vọng điều chỉnh môn học đều được nhà trường tư vấn kỹ. Trong đó, trường lưu ý các em cần đối chiếu các tổ hợp môn xét tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2025 được công bố tại website của các trường. Ngoài ra, học sinh và phụ huynh phải làm bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng chương trình môn học mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp tiếp theo”.
Trường THPT Trần Cao Vân đã lên kế hoạch phụ đạo cho học sinh có nguyện vọng thay đổi môn học với thời lượng khoảng 2 - 3 buổi trước khi tổ chức kiểm tra, đánh giá. Việc thay đổi, điều chỉnh tổ hợp môn/môn lựa chọn vào cuối năm học lớp 10 là quyền lợi của học sinh. Nhà trường tạo điều kiện để các em có cơ hội thay đổi nhằm phù hợp năng lực, định hướng nghề nghiệp và nguyện vọng bản thân.
“Chúng tôi cung cấp một số đề minh họa để học sinh hình dung được ma trận đề; những nội dung trọng tâm kiến thức môn học cũng chuyển đến học sinh để nâng cao hiệu quả ôn tập. Tuy nhiên, các em cần nắm vững lượng kiến thức môn tự học của năm lớp 10 để có thể học tốt trong năm học tiếp theo nếu không muốn bị đuối”, thầy Hùng cho biết.
Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có gần 10 học sinh hỏi điều kiện, thủ tục thay đổi nhóm môn lựa chọn. Bộ phận giáo vụ nhà trường đã hướng dẫn các thủ tục, điều kiện để được chuyển đổi môn học. Tuy nhiên, chưa ghi nhận trường hợp học sinh nào nộp đơn có kèm theo cam kết của phụ huynh.
Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng nhận đơn xin thay đổi môn học của khoảng 6 học sinh cho đến thời điểm giữa tháng 7. Cô Hồ Thị Thảo Nguyên - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“So với năm học trước, năm nay có nhiều học sinh xin điều chỉnh môn lựa chọn. Đây là quyền lợi của học sinh khi các trường đại học công bố tổ hợp môn xét tuyển từ năm 2025. Vì vậy, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho trò. Trên website của trường, ngoài công bố đề cương ôn tập các môn học, còn có đề kiểm tra để học sinh tham khảo cấu trúc, ma trận đề. Trước khi tổ chức kiểm tra, sẽ có khoảng 3 - 4 buổi ôn tập kiến thức cho học sinh, tùy từng môn”.
Cô Hồ Thị Thảo Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Để hạn chế thấp nhất việc thay đổi môn lựa chọn sau khi học xong lớp 10, phụ huynh, học sinh cần tham khảo thông tin các tổ hợp môn xét tuyển sinh ở website của các trường đại học. Đây là định hướng đầu tiên vì liên quan đến cơ hội chọn ngành nghề tương lai của học sinh.
Việc chọn nhóm môn để đăng ký theo học ở lớp 10 sẽ quyết định phần lớn đến xu hướng nghề nghiệp chứ không đợi lên lớp 12. Phụ huynh và học sinh ít nhất phải có hình dung sẽ phù hợp ngành nghề gì, từ đó quyết định lựa chọn môn học chứ không thể chọn theo bạn bè hoặc chọn cho có”.