Cần đảm bảo chất lượng giáo dục khi sáp nhập, sắp xếp lại điểm trường
Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS phổ thông được chú trọng, chất lượng giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực trong năm học 2018 - 2019. Đặc biệt, giáo dục phổ thông đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho HS và đảm bảo an toàn trường học. Các bước chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như bồi dưỡng đội ngũ, cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp quản lý và dạy học… đã được chủ động thực hiện.
Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Một số địa phương chủ động đưa các nội dung về quy hoạch cơ sở giáo dục vào chỉ thị, nghị quyết của HĐND tỉnh; các trường THCS quy mô nhỏ của tỉnh theo hướng sáp nhập, thành lập trường liên cấp, liên xã phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số địa phương dồn dịch các điểm trường, sáp nhập trường không theo đúng quy định, một số nơi sáp nhập phá vỡ quy mô trường, lớp. Sau khi sắp xếp, quy hoạch lại điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của HS; một số trường đang gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm, tiền lương, phụ cấp CBQL… khó đảm bảo duy trì chất lượng dạy và học.
Quang cảnh Hội nghị |
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình đề nghị có thể tạm thời dừng triển khai việc sáp nhập các điểm trường có quy mô nhỏ: “Hiện nay, một số địa phương đang triển khai sáp nhập các xã, nếu giáo dục tiến hành trước thì ví dụ như 3 xã sẽ có 3 trường liên cấp, nếu chúng ta thực hiện sau khi sáp nhập xã thì sẽ có 3 trường đồng cấp sáp nhập. Và Bộ GD&ĐT cũng nên tổ chức tập huấn hoặc có hướng dẫn về mô hình trường liên cấp để đảm bảo hiệu quả, chất lượng sau sáp nhập”.
Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho rằng, nếu không đảm bảo chất lượng giáo dục thì không nên tiến hành ghép trường. Vấn đề này ngành GD&ĐT các địa phương phải có phương án bảo vệ, phân tích với các sở ban ngành liên quan để có sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương. Suy cho cùng thì ngành GD phải chịu trách nhiệm về chất lượng chứ không ai gánh thay cho chúng ta cả.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng, việc thành lập trường phổ thông có nhiều cấp học nhằm giúp giải quyết các vấn đề khó khăn của điều kiện kiện kinh tế xã hội và chủ yếu áp dụng cho các địa phương miền núi, có điều kiện địa hình, giao thông cách trở. “Chúng ta không đánh đổi chất lượng để đảm bảo mục tiêu dồn dịch trường học” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tạo đà triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 20018 - 2019 triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 đối với giáo dục trung học |
Hầu hết các địa phương đã chỉ đạo thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học theo công văn số 4612 của Bộ GD&ĐT, từ đó tạo thuận lợi cho GV khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ của từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông, các Sở, Phòng GD&ĐT đã tăng cường giao quyền chủ động cho các nhà trường cập nhật nội dung dạy học, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng tinh giản phù hợp với điều kiện thực tiễn, đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá, tạo điều kiện để thực hiện phương thức giáo dục tích cực. Cơ chế quản lý chuyên môn theo hướng tăng phân cấp, giao quyền chủ dộng cho các nhà trường xây dựng và thực hiện Kế hoạch giáo dục đã bước đầu được thực hiện ở một số địa phương, đơn vị. Việc sắp xếp lại nội dung dạy học, xây dựng các chủ đề môn học và tích hợp, liên môn đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, bên cạnh những thành tích nổi bật, giáo dục trung học vẫn còn một số khó khăn từ quy hoạch mạng lưới trường lớp, CSVC, đội ngũ GV, cơ cấu không đồng bộ, cơ chế quản lý còn bất cập...
"Thông tư hướng dẫn về định biên còn có một số khó khăn, vướng mắc. Một số vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, tai nạn thương tích không phải là không có… Thời gian tới cần đặc biệt quan tâm đến việc dồn dịch điểm trường, tinh giản biên chế bộ máy. Chúng ta chịu trách hiệm trước Đảng và Nhà nước về chất lượng, và phải có phản biện, bảo vệ các phương án và phải cam kết chất lượng. Rà soát tính toán quy mô chất lượng, địa hình địa lý...” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, trong chuẩn bị các nguồn lực thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì công tác bồi dưỡng GV là rất quan trọng, khác với các đợt đổi mới chương trình – sách giáo khoa trước đây.
“Biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng là một quá trình khó khăn. Tâm lý chung là khi tham gia bồi dưỡng, ai cũng muốn “ăn sẵn”, đến nơi tập trung có cái gì là ghi chép cái đó. Nhưng phương thức bồi dưỡng lần này là kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Việc bồi dưỡng trực tiếp là sẽ chỉ giải đáp thôi, còn phải nghiên cứu tìm hiểu trước tài liệu có trên mạng. Thay đổi về phương thức về cách làm nên phải lưu ý để triển khai cho có hiệu quả” – Thứ trưởng chia sẻ.