Bồi dưỡng giáo viên: Phát triển từ đội ngũ “chân rết”

GD&TĐ - Một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên là công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

Một lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tổ chức ở TP Đà Nẵng năm 2020.
Một lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tổ chức ở TP Đà Nẵng năm 2020.

Theo kinh nghiệm của các trường tham gia Chương trình ETEP, cần có sự phối hợp và liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với địa phương và cán bộ, giáo viên cốt cán.

Thành lập các cộng đồng học tập qua mạng

TS Bùi Kiên Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - chia sẻ: Để hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, nhà trường phối hợp với các sở GD&ĐT tổ chức hội thảo, họp giao ban về công tác này. Sau đó, các bên cử đầu mối, sẵn sàng liên hệ, hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm công tác bồi dưỡng giáo viên diễn ra theo đúng kế hoạch.

Đồng thời, thúc đẩy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên, nghiên cứu tài liệu và bồi dưỡng đại trà trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS). Đội ngũ giảng viên và giáo viên cốt cán luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của giáo viên.

“Để bảo đảm các công việc trong kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ, đồng thời nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, chúng tôi thành lập tổ giám sát. Tổ này sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để đôn đốc, giám sát và hỗ trợ giáo viên. Đồng thời thường xuyên liên hệ với Ban Giám sát Chương trình ETEP Trung ương, sở GD&ĐT và Viettel tại địa phương để các thông tin về công tác bồi dưỡng được phản hồi nhanh nhất. Qua đó bảo đảm quy trình, tiến độ và chất lượng của công tác bồi dưỡng” - TS Bùi Kiên Cường chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, giảng viên sư phạm chủ chốt khi tham gia bồi dưỡng đội ngũ cốt cán và hỗ trợ bồi dưỡng đại trà đều tạo thành các cộng đồng học tập qua mạng như: Zalo, Facebook…, thiết lập kênh thông tin liên lạc chặt chẽ giữa học viên và giảng viên, từ đó hỗ trợ giáo viên trong quá trình tự bồi dưỡng đạt hiệu quả.

Nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán là: Sau tập huấn sẽ hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp ở địa phương, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục trao đổi, cần phát huy hiệu lực, hiệu quả từ đội ngũ cốt cán. Họ sẽ là “cánh tay nối dài” và là “chân rết” trong công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đối với đồng nghiệp của mình.

Bên cạnh công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng có vai trò quan trọng. Ảnh: TG
Bên cạnh công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng có vai trò quan trọng. Ảnh: TG

Xây dựng “kiềng 3 chân”

Theo lãnh đạo Học viện Quản lý Giáo dục, đội ngũ cốt cán đã được bồi dưỡng với phương thức vừa trực tuyến, vừa trực tiếp các mô-đun thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên họ có vai trò quan trọng trong triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý đại trà. Giáo viên cốt cán có 2 nhiệm vụ chính là:

Hỗ trợ, tư vấn cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cụm trường nhằm phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý trường phổ thông và tư vấn trong xây dựng kế hoạch tự học, tự phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp. Đồng thời, đội ngũ này cũng tham mưu cho cơ quan quản lý giáo dục tổ chức, đánh giá công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông khác của địa phương.

“Hình thức bồi dưỡng cán bộ quản lý đại trà là trực tuyến. Đây sẽ là cơ hội để cán bộ quản lý cốt cán phát huy kết quả thu được trong đợt tập huấn bồi dưỡng vào thực tiễn công việc. Qua việc làm này, sẽ thấy được tác động, hiệu quả của đợt tập huấn bồi dưỡng” - PGS.TS Trần Hữu Hoan nói.

Để công tác bồi dưỡng đại trà thực sự có hiệu quả, PGS.TS Trần Hữu Hoan cho rằng: Trước hết cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của sở/phòng GD&ĐT các địa phương; Xây dựng chặt chẽ mối quan hệ “kiềng 3 chân”: Đơn vị tập huấn – cơ quan quản lý giáo dục – đội ngũ cốt cán. Học viện Quản lý Giáo dục đã, đang và sẽ trao đổi, làm việc với một số sở GD&ĐT để kiểm chứng tính hiệu quả mà các cán bộ quản lý cốt cán đã đóng góp cho cơ sở giáo dục địa phương. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi tiến hành bồi dưỡng đại trà.

Từ kinh nghiệm triển khai tập huấn, bồi dưỡng 3 mô-đun, PGS.TS Trần Hữu Hoan nhấn mạnh: Một trong những yếu tố tiên quyết là cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng đại trà. Theo đó, cần sự chủ động, năng động của đội ngũ cốt cán trong việc tham mưu với lãnh đạo và lập kế hoạch bồi dưỡng, hỗ trợ đồng nghiệp. Đặc biệt, cần sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ và báo cáo kịp thời của đội ngũ cốt cán địa phương, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn.

Để công tác bồi dưỡng tiếp tục phát huy hiệu quả và thành công hơn nữa, PGS.TS Trần Xuân Bách – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: Cần tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình bồi dưỡng, ngay cả sau khi các dự án hỗ trợ kết thúc. Ngoài ra, cần có sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT để tháo gỡ khó khăn của các địa phương về cơ chế, chính sách, kinh phí bồi dưỡng giáo viên.

Mặt khác, trường sư phạm và ngành Giáo dục các địa phương cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông, nhằm phục vụ cho đổi mới giáo dục cũng như kế hoạch phát triển giáo dục bền vững của địa phương.

Cùng với đó, các trường sư phạm cần xây dựng và phát triển mô-đun bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của giáo viên và cán bộ quản lý, bảo đảm sự phát triển bền vững cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

“Tin rằng, học viên cốt cán đã tham gia tập huấn sẽ hỗ trợ đắc lực và hướng dẫn tích cực cho các đồng nghiệp của mình ở địa phương trong quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng”. - PGS.TS Trần Hữu Hoan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ