Bồi dưỡng chuyên môn trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 27/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức kết hợp trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục”.

 Bồi dưỡng chuyên môn trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục.
Bồi dưỡng chuyên môn trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục.

Hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội thảo có Tổ chức VVOB, cùng 150 đại biểu trực tiếp và hơn 200 đại biểu trực tuyến, bao gồm các cán bộ quản lý, các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giáo viên và giảng viên trên khắp cả nước.

Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam - GS Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam - GS Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam - GS Lê Anh Vinh cho rằng chất lượng giáo viên là một chỉ số quan trọng cho sự thành công của học sinh, và phát triển chuyên môn là công cụ chính, là chìa khoá để cải thiện kiến thức và kĩ năng sư phạm của giáo viên.

Vấn đề đặt ra trong thực tế là giáo viên cần có thời gian để phát triển chuyên môn thường xuyên phù hợp với nhu cầu và mong muốn, và nội dung phát triển chuyên môn cần liên quan trực tiếp và hữu ích đối với mỗi giáo viên.

"Một trong những giải pháp trọng tâm là mô hình phát triển chuyên môn theo hình thức kết hợp. Ông bày tỏ mong muốn các đại biểu, với góc nhìn từ vai trò cụ thể của mình sẽ thu nhận được những thông tin hữu ích và tích cực chia sẻ những kinh nghiệm thực tế". - GS Lê Anh Vinh nhấn mạnh

Phiên thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo.

Phiên thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo.

Bà Karolina Rutkowska - Giám đốc Chương trình Quốc gia, VVOB Việt Nam chia sẻ, mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. Phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên là một giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục.

Hội thảo gồm 4 phiên kết hợp trình bày báo cáo, thảo luận bàn tròn và thảo luận của các đại biểu tham dự theo cả hai kênh trực tiếp và trực tuyến. Đây là dịp để các nhà giáo dục, các nhà chính sách, các nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục cùng tăng cường hợp tác và trao đổi kiến thức chuyên môn.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học giáo dục chia sẻ cách nhìn và phân tích mối tương quan giữa khái niệm, khung chính sách và việc triển khai thực tế; giới thiệu các phương pháp giảng dạy sáng tạo, chiến lược lãnh đạo, thiết kế chương trình giảng dạy, các hình thức kiểm tra - đánh giá và sử dụng công nghệ; đưa ra các chiến lược thực tế, những thực hành đã được thực hiện và những khuyến nghị khả thi để tăng cường các sáng kiến bồi dưỡng chuyên môn tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ