Bồi đắp lòng biết ơn và tự hào dân tộc cho trẻ

GD&TĐ - Những chuyến tham quan bảo tàng là cơ hội tốt để trẻ cảm nhận một cách sâu sắc hơn về lịch sử, bồi đắp lòng biết ơn và tự hào dân tộc.

Học sinh Trường Mầm non Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Website nhà trường
Học sinh Trường Mầm non Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Website nhà trường

Những chuyến tham quan bảo tàng không chỉ mang đến trải nghiệm giáo dục độc đáo, mà còn là cơ hội tốt để trẻ cảm nhận một cách sâu sắc hơn về lịch sử, bồi đắp lòng biết ơn và tự hào dân tộc.

Nuôi dưỡng sự trân trọng lịch sử

Bảo tàng được biết đến là địa điểm bảo tồn, trưng bày, lưu giữ và bảo quản các hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa, nghệ thuật và khoa học quan trọng của một quốc gia. Nơi đây cũng là nơi lưu giữ những câu chuyện, kỷ vật về lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc cùng những vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước qua từng thời kỳ.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có tổng cộng 162 bảo tàng, lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật, phản ánh toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Trong những năm gần đây, các địa điểm như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Mỹ thuật… đã trở thành điểm đến tham quan thu hút nhiều đối tượng công chúng, đặc biệt là cả các em nhỏ trên mọi miền Tổ quốc.

Theo TS Lâm Minh Châu, giảng viên Khoa Nhân học và Tôn giáo học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc tham quan bảo tàng giúp trẻ có cơ hội tiếp xúc và học tập lịch sử từ sớm. Thay vì giảng lý thuyết “suông”, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh và cả nhà trường đã lựa chọn phương pháp cho trẻ nhỏ đi tham quan các bảo tàng theo từng chủ đề. Từ đó, qua các hiện vật trưng bày và những câu chuyện được tái hiện sống động, các em sẽ hiểu hơn về lịch sử đất nước qua các thời kỳ, các nhân vật lịch sử… Bên cạnh đó, nhiều trường đã chú trọng xây dựng các chuyên đề lịch sử thú vị để trò chuyện, khơi dậy sự ham hiểu biết về lịch sử cũng như cách tự tìm tư liệu lịch sử để học của học sinh.

Ông Châu còn nhấn mạnh, việc học lịch sử trước đây thường bị cho là khô khan, bởi hàm lượng thông tin rộng lớn ẩn chứa trong những trang sách. Nhưng hiện nay, các cơ sở giáo dục đang làm rất tốt, có nhiều phương pháp tiếp cận lịch sử mới mẻ và thu hút hơn, khiến môn học trở nên thú vị hơn đối với người trẻ. Điển hình vào cuối năm 2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa đã thu hút lượng lớn khách tham quan, trong đó có rất nhiều trẻ nhỏ.

Anh Nguyễn Việt Trung (35 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cuối tuần thay vì đi các khu vui chơi khác, vợ chồng anh đưa con trai 8 tuổi của mình tới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tham quan. Vợ chồng anh hết sức ngạc nhiên với phản ứng của con, bé không hề cảm thấy nhàm chán, ngược lại rất hào hứng với sự phong phú và đa dạng của các hiện vật được trưng bày.

Tại đây, bạn nhỏ 8 tuổi được tìm hiểu về các giai đoạn lịch sử khác nhau qua các hiện vật, hình ảnh, và mô hình chiến dịch. Các phòng trưng bày mô tả rõ nét sự kiên cường, dũng cảm của quân dân Việt Nam qua từng giai đoạn, từ những cuộc khởi nghĩa kháng Pháp cho đến những chiến thắng hào hùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Thay vì những bảng chú thích dài dòng thì nay, bảo tàng sử dụng hình ảnh, video, mô hình mô phỏng, giọng hướng dẫn tự động... kết hợp với công nghệ 3D Mapping hiện đại để tái hiện lịch sử một cách sinh động và chân thực, thu hút các bạn nhỏ.

Anh Việt Trung cho biết thêm, ngoài bảo tàng, gia đình cũng thường đưa con đi tham quan các di tích lịch sử khác. Mỗi thời điểm và độ tuổi khác nhau, con lại được bố mẹ cho đi tham quan những điểm mới... Mỗi lần đi là một lần con có thêm những trải nghiệm với nhiều cảm xúc khác nhau.

boi-dap-long-biet-on-va-tu-hao-dan-toc-1.jpg
Thế hệ trẻ dần được bồi đắp vốn kiến thức về lịch sử dân tộc qua những buổi hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đình Trung.

“Mới đây, tôi cho con đi tour đêm tại Nhà tù Hỏa Lò. Trên thực tế, tôi không đặt nặng việc con học được gì hay có hiểu hết những gì tour truyền tải, vì cháu còn nhỏ. Tuy nhiên, ngoài mong đợi, hướng dẫn viên với giọng nói truyền cảm kể lại những câu chuyện lịch sử chân thực và đầy thú vị, giúp các con hiểu rõ về giai đoạn lịch sử khó khăn và cực kỳ khắc nghiệt thời xưa.

Các vở kịch nhỏ diễn tả cảnh thực dân tra tấn những thanh niên yêu nước; tái hiện lại cảnh những người mẹ, người cha phải gửi đứa con còn đỏ hỏn để đi chiến trường, lúc trở về thì em bé đã mất… Những phân cảnh ấy thật sự ‘chạm’ tới cảm xúc của cả người lớn và các bạn nhỏ. Chính vì vậy, các con đã ghi nhớ trong đầu rất lâu, đó cũng là cách thức tiếp cận độc đáo để các con hiểu và thêm yêu lịch sử”, phụ huynh này cho biết.

Cô Nguyễn Tuyết Trinh - giáo viên trường THCS trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, cho biết, để thu hút, tạo hứng thú cho học sinh đối với môn Lịch sử, đều đặn hàng năm, cô còn đề xuất với phụ huynh học sinh tổ chức cho các em đi học tập ngoại khóa tại các khu di tích lịch sử. Đây là hình thức giáo dục ngoài nhà trường khá phổ biến, tăng tính thực tế, tìm hiểu, khám phá cho các em học sinh.

Kết hợp với việc tham quan, các em còn được tham gia lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đồng thời tìm hiểu về lịch sử địa phương tại các di tích khi đến thăm. Theo cô Trinh, đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng. Từ đó bồi đắp cho học sinh ý thức về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

“Lịch sử là quá khứ, nhưng lại rất cần cho hành trang của mỗi người trong hiện tại và cho tương lai. Thế hệ trẻ là mầm non tương lai của đất nước, các em cần hiểu về lịch sử dân tộc hào hùng, biết được công cuộc ngàn năm gìn giữ và xây dựng đất nước của ông cha ta để biết được gốc rễ, định hướng cuộc đời mình, có chiều sâu tư duy văn hóa. Lịch sử là phân đoạn rất dài, để một đứa trẻ ghi nhớ được không phải là dễ dàng. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao việc cho trẻ tiếp xúc, trải nghiệm, được nghe các câu chuyện lịch sử và được nhìn ngắm các hiện vật. Từ đó, các em nhỏ sẽ dần dần bồi đắp vốn kiến thức không chỉ về lịch sử mà còn về văn hóa, kiến trúc...”, TS Lâm Minh Châu chia sẻ.

Cũng theo vị giảng viên này, việc bồi dưỡng kiến thức, tình yêu với lịch sử là điều cần thiết, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Việc tìm hiểu các di tích, chứng tích cho đến các truyền thuyết được lưu giữ tại các bảo tàng giúp trẻ biết nhiều hơn về quá khứ và cách mà thế giới đã phát triển, thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, khi tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của chính dân tộc mình, các em nhỏ có thể hình thành cảm giác tự hào, tình yêu và trân trọng lịch sử cũng như biết ơn các thế hệ cha ông đi trước.

boi-dap-long-biet-on-va-tu-hao-dan-toc-3.jpg
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút lượng lớn khách tham quan, trong đó có rất nhiều học sinh các trường. Ảnh: Bình Thanh.

Cơ hội học tập, phát triển tư duy

Bên cạnh những giá trị chuyên biệt, việc đưa trẻ nhỏ đi tham quan bảo tàng còn mang đến nhiều giá trị tích cực khác cho sự nhận thức và phát triển của trẻ nhỏ, giúp các em phát triển tư duy và khám phá thế giới quanh mình. Bảo tàng là môi trường giáo dục phong phú giúp cho trẻ em khám phá những điều mới mẻ. Thực tế cho thấy, tham quan bảo tàng có thể mang đến cho trẻ những trải nghiệm học tập đáng nhớ, kích thích trí tưởng tượng về thế giới, mở rộng nhận thức và phát triển tư duy về nhiều mặt.

Theo các nghiên cứu, sự tác động của các phương tiện giải trí “nghe nhìn” có ảnh hưởng rõ ràng đối với trẻ nhỏ. Khi đến với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, các em nhỏ được chứng kiến và nhìn ngắm những hiện vật, hình ảnh khốc liệt, dữ dội của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những tấm gương hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông đi trước. Điều này sẽ giúp các em học được việc trân trọng giá trị của hòa bình.

Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng thường trưng bày, giới thiệu về lịch sử của các nền văn hóa qua từng thời kỳ hoặc các vấn đề xã hội quan tâm, những phát minh quan trọng… Điều này có thể giúp trẻ phát triển sự hiểu biết về các vấn đề xã hội, qua đó thấy được muôn mặt đời sống. Đồng thời, còn kết hợp các hoạt động trải nghiệm như vẽ tranh, làm và trang trí đồ thủ công, hoặc tham gia vào các trò chơi học thuật hay thuyết trình… giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo và tư duy phản biện.

Khi được khuyến khích tạo ra các sản phẩm của riêng mình, trẻ có cơ hội rèn luyện sự khéo léo, học cách tư duy logic, giải quyết vấn đề và thể hiện ý tưởng một cách rõ ràng, góp phần nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho việc học tập.

Các buổi ngoại khóa cũng là dịp để trẻ em khám phá các sở thích và đam mê của bản thân trong các lĩnh vực khác nhau như văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, động vật hay khoa học. Thông qua các chương trình giáo dục di sản sinh động, trẻ có thể nhận ra điều mình yêu thích, từ đó phát triển kiến thức và kỹ năng phù hợp.

Theo cô Nguyễn Tuyết Trinh, thông qua các buổi tham quan, trải nghiệm thực tế mang lại những giây phút giải trí, thư giãn mang tính giáo dục cao, góp phần nuôi dưỡng trí tuệ lẫn cảm xúc cho các em. Ngoài tiếp thu được thêm nhiều kiến thức lịch sử bổ ích, các em học sinh còn có cơ hội giao tiếp, tương tác và làm việc cùng bạn bè, từ đó nâng cao tinh thần tập thể, nền nếp, kỷ luật. Thông qua đó, trẻ học được cách làm việc hợp tác, lắng nghe, chia sẻ ý tưởng và trao đổi quan điểm của mình với người khác, giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ