Bốc thuốc trị tận gốc bệnh… nói dối ở trẻ

GD&TĐ - Hầu hết cha mẹ đều cố gắng dạy con trung thực. Vì vậy, không ít phụ huynh cảm thấy “sốc” khi phát hiện bệnh nói dối và mong muốn được “chữa trị” kịp thời.

Con trẻ cần được uốn nắn ngay từ nhỏ về ý thức thành thật. Ảnh minh họa
Con trẻ cần được uốn nắn ngay từ nhỏ về ý thức thành thật. Ảnh minh họa

Muôn vàn lý do để nói dối

Một trong những điều mà cha mẹ phiền lòng với trẻ là khi chúng nói dối. Đôi khi, việc trẻ nói dối khiến người lớn thất vọng về chính mình. Vì vậy, cần tìm ra được “nguồn gốc” hay còn gọi là nguyên nhân của việc nói dối ở trẻ để biết cách “trị”.

ThS Nguyễn Thị Minh Hằng – Bác sĩ Nhi khoa Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Mỗi chuyện mà trẻ nói, đừng vội quy chụp đó chính là lời nói dối. Thông thường, nói dối có thể chia thành các dạng khác nhau. Có thể trẻ nói ra những điểm có lợi cho mình. Trẻ cũng có thể nói giảm nói tránh để người nghe đỡ bị tổn thương. Mức độ nặng hơn là trẻ bao biện cho lỗi lầm của chính mình. Vì vậy, cần tìm hiểu rõ mọi lời nói của trẻ để hiểu đúng vấn đề. Từ đó mới có các phương pháp thích hợp để dạy trẻ”.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng cũng cho biết thêm, nếu trẻ nói dối có lợi cho mình, điều này cần xem xét mức độ nặng – nhẹ của câu chuyện. Đôi khi, việc bé cố tình nói không đúng về một việc để có lợi cho bé, sẽ làm ảnh hưởng tới người khác. Lớn lên, trẻ có thể trở thành người hay đổ lỗi. Tuy nhiên, hành vi nói dối sẽ mất dần theo thời gian nếu được định hướng và có môi trường sống tích cực. Nhiều khi trẻ nói dối nhưng hoàn toàn không nhận thức được mình đang nói dối.

Đối với việc nói giảm để người khác bớt đi tổn thương. Người lớn hãy thông cảm cho trẻ và hiểu rằng, trẻ đang cố gắng trở thành người tốt. Đây được coi là lời nói dối vô hại.

Lời nói dối vô hại là lời nói dối với ý định tốt – thường là để bảo vệ cảm giác của người khác. Khi đó, trẻ đã dần hiểu chuyện và biết sẻ chia với những người xung quanh. Tất nhiên, cha mẹ cũng không nên khuyến khích việc này, bởi lâu dần nó dễ “biến tướng” thành ý xấu. Còn nói dối để bao che cho lỗi lầm, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để cùng trẻ vượt qua.

Trên thực tế, nhiều cha mẹ quá khắt khe với con khiến trẻ luôn cảm thấy sợ hãi khi làm sai. Khi bị cha mẹ chất vấn về tội lỗi gây ra, con luống cuống nên nghĩ ngay ra cái gì đó để bao biện.

Mỗi khi mắc lỗi, trẻ nghĩ ngay đến sự quát mắng, thậm chí đòn roi của người lớn mà sinh ra nói dối. Lúc này, trẻ chỉ đơn giản hiểu rằng, nói dối sẽ tránh được thiệt hại cho bản thân và muốn che giấu sự thật. Vì vậy, luôn luôn lắng nghe con để biết mục đích nói dối của trẻ mới có cách để giúp con thành thật trong cuộc sống.

Trần Bảo Ngọc – học sinh lớp 3A – Trường Tiểu học Đại Yên (HN) chia sẻ: “Có lần, mẹ bảo con dọn phòng sạch sẽ. Khi con nói dọn xong rồi, mẹ kiểm tra và bảo con chưa dọn sạch mà nói dối. Nhưng thực sự là con đã dọn rồi. Con không hiểu tại sao mẹ cho rằng con đã nói dối”.

Đôi khi, trẻ rơi vào tình trạng “vô tình” nói dối do khác nhau về nhận thức. Ví dụ, cha mẹ có thể coi đó là nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trẻ lại cho rằng như vậy đã xong việc. Thế nên, chính cha mẹ có ảnh hưởng không nhỏ trong việc trẻ không thành thật. Chỉ cần nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, đặt mình vào suy nghĩ của trẻ để có cách đánh giá khách quan trước khi quy chụp, “kết tội” trẻ.

Đừng tạo cơ hội

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng khuyên rằng, khi trẻ đủ lớn, chúng có thể hiểu sự khác biệt giữa sự thật và giả dối. Vì vậy, cha mẹ cần khuyến khích và ủng hộ trẻ nói thật.Người lớn có thể làm điều này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực. Khi trẻ đã nói thật, đừng cố tỏ ra nghi ngờ khiến trẻ cảm thấy thất vọng.

Cha mẹ cũng có thể nói cho trẻ biết rằng bạn không thích trẻ nói dối. Ví dụ, bạn có thể nói những điều như là “Khi con nói dối, mẹ cảm thấy rất buồn”.  Câu nói này có tác dụng hơn nhiều so với việc la mắng “tại sao con lại nói dối”. Tuy trẻ còn nhỏ nhưng đủ nhận thức được rằng, điều mình làm thực sự không tốt khiến người thân không vui.

Cha mẹ cũng không nên nói trẻ là một kẻ nói dối. Điều này làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và thậm chí dẫn đến nói dối nhiều hơn. Luôn luôn lắng nghe và hiểu nguyên nhân của việc không thành thật mới có thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Ngoài ra, cha mẹ nên công bố ngay lập tức cho con thông tin chính xác để con biết rằng cha mẹ luôn biết “chân tướng” mọi việc để con không có cơ hội bao biện.

Cô Phạm Thị Hương – chuyên gia tâm lý tư vấn cho trẻ khuyên rằng: Một trong những nguyên nhân khiến trẻ nói dối cũng là do cách hành xử của cha mẹ. Vì vậy, người lớn tuyệt đối tránh mắng con, chất vấn con những câu như: “Tại sao con lại làm như thế?”.

Nếu con đã làm điều gì đó chưa đúng, hãy nói luôn vào hậu quả. Cha mẹ không chất vấn thì con sẽ tránh được việc phải bao biện và nói ra những câu nói không có thật. Việc chúng ta lập tức quát mắng, chất vấn con sẽ làm con hoảng sợ và lần sau còn nói dối nhiều hơn. Khi thật bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm ra được cách xử sự đúng đắn nhất.

Môi trường sống cũng ảnh hưởng rất lớn đối với việc nói dối của trẻ. Đôi khi, con nghe bố mẹ, người xung quanh nói dối và con học theo. Trẻ nhỏ bắt chước rất nhiều nên việc học theo người lớn mà nói dối cũng không phải chuyện hiếm gặp.

Có nhiều cha mẹ nói dối tuổi của con để được ưu đãi, có người nói dối thành tích học tập của con để khoe…Thậm chí, người lớn còn vô tình dạy con nói dối như “Bố về thì đừng nói gì nhé”… Vì thế, cha mẹ cần tránh tuyệt đối việc nói dối. Nếu có trường hợp cần nói giảm nói tránh, cha mẹ nên nói khi không có mặt con ở đó. Tốt nhất là hạn chế tối đa mọi phát ngôn không đúng sự thật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.