Bộ Y tế thừa nhận còn thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Y tế

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển năm 2024.

Tạo hành lang pháp lý khám chữa bệnh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, khó dự báo. Điều đó tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành y tế.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, sự cố gắng phấn đấu vượt khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành y tế, công tác y tế năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, trong năm 2023, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao. Trong đó, ngành đã vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân, đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, động viên khuyến khích gắn tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, tăng cường lắng nghe thực tiễn, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ dần từng bước các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vắc-xin, cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp củng cố năng lực ngành y tế sau dịch bệnh, như: Tăng cường nguồn lực đầu tư, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực y tế, tăng cường công tác chỉ đạo.

Trong công tác xây dựng thể chế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngành y tế tiếp tục chú trọng và tập trung hoàn thiện. Qua đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế và địa phương.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, người đứng đầu ngành y tế cho hay, năm 2023, dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục được kiểm soát tốt.

Ngành tập trung cùng chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch. Đồng thời, tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng,…), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…).

Y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân để ngành y tế phục hồi và phát triển bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thừa nhận ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã được tích cực xây dựng, từng bước hoàn thiện nhưng còn chưa đầy đủ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế. Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…

Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra, thậm chí có nơi còn có vi phạm. Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế.

Ngoài ra, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu. Công tác đào tạo nhân lực ngành y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài;… Trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới đối với ngành y tế là vẫn rất nặng nề.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm.

Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân tạo được sự hài lòng của người bệnh.

Ngành y tế cũng triển khai quyết liệt chuyển đổi số, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ