Bộ trưởng Y tế nêu định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan nêu những định hướng để ngành phát triển lâu dài, tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội.

Bộ trưởng Y tế nêu định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch Covid-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo bà Đào Hồng Lan, có thể nói, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành Y tế với khối lượng công việc tồn đọng. Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế diễn ra trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế.

Cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương tới địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, gây ra làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công. Cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan.

Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan.

Trong bối cảnh đó, ngành Y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chia sẻ, động viên của các vị ĐBQH, cử tri và Nhân dân cả nước.

Đội ngũ nhân viên ngành Y tế đã nỗ lực, cố gắng đoàn kết vượt qua khó khăn, đổi mới phương pháp, làm việc tập trung cao nhất để giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành…

Về những định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngành đã tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ giao; trong đó ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế.

Qua đó, tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế của ngành.

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, tồn đọng của ngành như nội dung đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội lần này.

Về khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về tình hình. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị, vật y tế là một thách thức dai dẳng.

Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19.

Tình trạng này ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Ý…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ