GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi phát hiện có đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.617.2 (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ).
Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh)”.
Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, dữ liệu B.1.617.2 trên GISAID hiện tại chưa ghi nhận đột biến mất Y144, nên đột biến này vẫn cần theo dõi và nghiên cứu thêm.
GISAID là bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2, được các nhà học học trên toàn cầu cập nhật liên tục; bản đồ này được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên họp Chính phủ sáng 29/5 đã thông tin chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến hiện nay tại Việt Nam là chủng Ấn Độ đã có các dấu hiệu tăng khả năng lây nhiễm và bệnh tăng nặng hơn so với các đợt dịch trước.
GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ trên báo chí cho biết, hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.
Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm là Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs). Biến thể đáng quan tâm (VOIs) khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình; và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.
Còn biến thể đáng quan ngại (VOCs) là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực vi rút/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.
Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại (VOCs) bao gồm: Biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, Biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, Biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia, và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia. Theo WHO, các biến thể với lợi thế thích nghi sẽ dần dần thay thế các biến thể cũ theo thời gian.
Tại Việt Nam, ngay từ khi vụ dịch bùng phát đã phát hiện ra các biến thể mang đột biến D614G vào đầu tháng 03/2020 từ những công nhân từ nước ngoài về, tiếp đến là sự xuất hiện của các VOCs như biến thể B.1.1.7 và biến thể B.1.351 được ghi nhận vào tháng 10/2020 từ những công dân về nước từ Anh và hiện nay là biến thể B.1.617 từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam.
Như vậy, các biến thể đáng quan ngại xuất hiện, lưu hành thì sau 1 thời gian sẽ xuất hiện ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, làm cho công tác dự phòng và kiểm soát càng đòi hỏi ở mức cao hơn nữa.