Bộ Y tế khẳng định Covid-19 chưa là bệnh lưu hành

GD&TĐ - Tại dự thảo mới nhất về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế vẫn đề xuất Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành và chưa công bố hết dịch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế vừa gửi dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, lấy ý kiến góp ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia.

Tại dự thảo, Bộ Y tế cho biết trong nước, tuy tỉ lệ tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước (tỉ lệ tử vong/mắc giảm mạnh, từ 1,03% trong tháng 1-2022 xuống còn 0,06% trong tháng 5-2022) nhưng vẫn ghi nhận trường hợp tử vong và nhiều bệnh nhân nặng đang được theo dõi, điều trị.

Tại dự thảo, Bộ Y tế cho biết hiện nay, trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đề xuất Phương án Bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023, trong đó có 2 tình huống:

Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; kiểm soát ra vào vùng có dịch; Cách ly/ theo dõi sức khỏe; khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vệ sinh trong việc quàn, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt...

Do đó, việc phòng chống dịch phải linh hoạt theo chuyển biến dịch bao gồm cả nhóm A và nhóm B nên các biện pháp đáp ứng chống dịch điều chỉnh chuyển dần từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B để thích ứng linh hoạt việc kích hoạt trở lại các biện pháp phòng, chống dịch mạnh, quyết liệt khi virus SARS-CoV-2 biến đổi.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam mà hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mang tính linh hoạt và tiến dần tới trạng thái "bình thường mới".

Về lý do chưa thể coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết theo các tài liệu về dịch tễ học trong nước và trên thế giới, đặc biệt là của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Mỹ, bệnh "lưu hành" là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Theo Bộ Y tế, một bệnh được coi là lưu hành khi có 4 nhóm tiêu chí là: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Đối với tiêu chí số 4, Bộ Y tế cho rằng hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi có xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 (như Nam Phi, Mỹ sau 2 tháng dịch có xu hướng giảm đã tăng trở lại từ đầu tháng 5-2022 đến nay do sự lưu hành của các biến thể BA.4, BA.5 và chưa có xu hướng chững lại); SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện những biến thể mới; đồng thời miễn dịch có được (do vắc-xin và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian.

Theo Bộ Y tế, dịch có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào, do đó cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá tính ổn định cũng như sự thay đổi của tác nhân gây bệnh. Bộ Y tế cũng khẳng định chưa công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.