Ngày 9/10, theo báo cáo của Bộ Y tế, có 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).
Tỷ lệ mắc bệnh trên 1 triệu dân xếp thứ 9/11 trong số các nước ASEAN, thứ 155/223 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ ngày 25/9-8/10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 5 ca (giảm 10 ca so với tuần trước); TP HCM 15.070 ca (giảm 14.766); Bình Dương 400 ca (giảm 559); Đồng Nai 41 ca (giảm 19); Khánh Hòa 8 ca (giảm 57), Kiên Giang 13 ca (giảm 18).
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết số ca bệnh nặng, nguy kịch chiếm 8,7% số đang điều trị. So với trung bình 7 ngày trước, số ca nhập viện mới giảm 6,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 16,4%, số ca thở oxy mask giảm 15,8%, thở máy xâm lấn giảm 17,1%.
Tính đến nay, các Trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh phía Nam đã tiếp nhận 13.206 ca bệnh nặng và nguy kịch, trong đó số ca khỏi bệnh hoặc chuyển tầng thấp hơn để điều trị tiếp là 7.120 ca, chiếm 53,9%.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết tại cuộc họp sáng 9/10 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình.
Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.