Bộ trưởng Y tế: Việt Nam có kế hoạch để tự chủ nguồn vắc xin COVID-19 sớm nhất

GD&TĐ - Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, Việt Nam có kế hoạch mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19, liên kết với các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới để tự chủ được nguồn vắc xin sớm nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chia sẻ trên Báo Chính phủ về chiến lược vắc xin sẽ được Bộ Y tế triển khai trong thời gian tới ra sao, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực tế cho thấy, kể cả trên thế giới và Việt Nam, vắc xin là công cụ, “vũ khí” hữu hiệu để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Thời gian qua, Bộ Chính trị đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về tiếp cận vắc xin phòng COVID-19. Chính phủ có nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt.

Với phương châm phải có vắc xin sớm nhất, an toàn nhất, sử dụng rộng rãi nhất cho người dân, Bộ Y tế đã tìm mọi cách tiếp cận với tất cả nguồn vắc xin trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng ta đã đàm phán rất sớm, bắt đầu từ tháng 5/2020, cố gắng từ nay đến cuối năm 2021 có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.

Nhưng bên cạnh đó, hiệu quả bảo vệ vắc xin phòng COVID-19 như một số khẳng định, nhận định là mới đạt từ 6 tháng đến 1 năm, cho nên không chỉ năm 2021 mà các năm tiếp theo, chúng ta phải đảm bảo đủ vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, vì vậy, chúng ta cũng cần đẩy mạnh tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất đảm bảo nguồn vắc xin phòng COVID-19 trong nước, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19, trong đó có đơn vị đã chuẩn bị thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, mặt khác, Việt Nam có kế hoạch mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19 cũng như liên doanh, liên kết đối với những đơn vị sản xuất vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới để tự chủ được nguồn vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc đảm bảo nguồn lực xã hội để tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vắc xin miễn phí. Đây là thách thức rất lớn trong điều kiện nguồn tài chính của chúng ta rất hạn hẹp.

Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm tất cả nguồn chi thường xuyên để đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước bền vững dành cho mua vắc xin phòng COVID-19, đồng thời huy động sự ủng hộ, hỗ trợ của những tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Quyết định thành lập quỹ vắc xin của Thủ tướng đã mở đường cho việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững, công bằng trong tiếp cận vắc xin đối với tất cả người dân Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?