Tại thành phố Niigata của Nhật Bản, vào ngày 11/5 đã diễn ra cuộc họp của người đứng đầu bộ tài chính và ngân hàng trung ương các nước G7. Theo thông báo, các đại biểu sẽ thảo luận về bất ổn kinh tế thế giới và những biện pháp trừng phạt mới chống Nga.
Trung tâm tại cuộc họp này sẽ là bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Như các nhà phân tích lưu ý, bà Yellen sẽ phát biểu với nội dung kêu gọi đồng minh hạn chế khả năng của Nga trong việc lách lệnh trừng phạt. Hơn nữa, nỗ lực này sẽ là mục tiêu chính của cuộc chiến kinh tế trong năm nay.
“Bởi vì các biện pháp trừng phạt này có hiệu quả, cho nên Nga đang cố gắng lách chúng. Năm nay, trọng tâm trong chiến lược của chúng tôi là hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn những nỗ lực của Moskva nhằm phá vỡ những lệnh hạn chế”, bà Janet Yellen nói.
Nga vẫn đối phó được các lệnh trừng phạt của phương Tây, sau khi những biện pháp cứng rắn được đưa ra? |
Để thúc đẩy đồng minh, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho họ một bản kế hoạch ba bước.
Bước đầu tiên là cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Bước hai là gây áp lực lên những công ty cho phép hoặc tạo điều kiện trốn tránh các biện pháp trừng phạt. Bước thứ ba là cắt đứt các kênh cụ thể mà Nga sử dụng để "trang bị và tài trợ cho lực lượng vũ trang của mình".
Các nhà phân tích của tờ Bloomberg lưu ý rằng bà Yellen vì một số lý do đã không đề xuất áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những nước thứ ba giúp Nga đối phó và phá vỡ hạn chế.
"Bộ Tài chính Mỹ trong năm nay đã tăng cường gửi cảnh báo tới nhiều công ty về các thỏa thuận có thể giúp Nga tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây", tờ Bloomberg nói rõ.
Hiện tại, Mỹ và Liên minh châu Âu đang thực thi những biện pháp cứng rắn nhằm mục đích trước tiên là ngăn cản hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga thông qua "hạm đội bóng tối".
Nga tự tin cho rằng những lệnh trừng phạt của phương Tây không mang lại nhiều tác dụng. |
Còn về phần Nga, chính quyền nước này luôn khẳng định bất chấp mọi biện pháp bao vây cấm vận của phương Tây, họ không hề bị cô lập trên trường quốc tế.
Điển hình chính là việc nhiều cường quốc hàng đầu như Trung Quốc hay Ấn Độ vẫn giữ quan hệ thương mại với Moskva, họ đều cự tuyệt việc tham gia những lệnh trừng phạt, bất chấp sức ép.
Không chỉ có vậy, thông qua Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nga còn gây tác động ngược trở lại đối với Mỹ, khi tiến hành một quá trình phi đô la hóa với tốc độ nhanh chóng.