Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cùng lãnh đạo UBND và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại buổi làm việc cho thấy, trong những năm qua, giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Hiện có 573 trường học và cơ sở giáo dục, với trên 319.000 học sinh, sinh viên. Cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị giảng dạy được tăng cường đầu tư theo chiều sâu, hiện đại, chuẩn quốc gia. Chất lượng dạy và học ở các bậc học được nâng lên. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Vĩnh Phúc là một trong 8 tỉnh có điểm bình quân các môn cao nhất cả nước.
Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ, năm học 2015 - 2016 toàn tỉnh có 173/176 trường tiểu học tổ chức cho học sinh học ngoại ngữ từ lớp 3 đến lớp 5, đạt 98%; 100% trường THCS và THPT tổ chức dạy tiếng Anh. Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai ứng dụng CNTT vào giảng dạy và học tập.
Lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc coi GD&ĐT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bố trí nguồn nhân lực và các điều kiện để đảm bảo phát triển GD&ĐT theo hướng tiên tiến, hiện đại, có yếu tố quốc tế, phấn đấu trở thành trung tâm phát triển GD&ĐT từ mầm non đến giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tạo cơ chế đặc thù cho tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục. Triển khai 9 nhiệm vụ của ngành trong năm học 2016 - 2017, hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung vào việc phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; quan tâm tới chế độ chính sách cho nhà giáo; tạo cơ chế thuận lợi trong việc thú hút nhân tài; tăng cường dạy và học ngoại ngữ; rà soát lại, quy hoạch lại hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, xây dựng chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong tương lai sẽ trở thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và chất lượng cao của cả nước. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó coi trọng đội ngũ cốt cán.
Để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét đưa Vĩnh Phúc trở thành địa phương trọng điểm để phát triển giáo dục và đào tạo, từ đó có những cơ chế chính sách phù hợp, tạo động lực cho sự phát triển.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng mong muốn, Bộ sẽ có những hỗ trợ nhằm giúp địa phương triển khai một số dự án phát triển giáo dục, đào tạo như dự án các trường học thông minh; dự án các trường học đạt tiêu chuẩn cơ bản; dự án nâng cấp Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc trở thành trường trọng điểm ngang tầm khu vực và quốc tế; dự án đào tạo cán bộ quản lý giáo viên đạt chuẩn; dự án quản lý và kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục toàn tỉnh; dự án nâng cao chất lượng ngoại ngữ, xây dựng Trung tâm ngoại ngữ trình độ cao cho khu vực phía Bắc và cả nước. Đồng thời tạo điều kiện để Vĩnh Phúc có thể trở thành khu vực đại học trọng điểm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao 5.000 quyển vở viết cho học sinh tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc đã đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng cũng thông tin sâu hơn về những chủ trương, định hướng lớn và những nhiệm vụ chủ yếu của ngành để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ nhiệm kỳ này hết sức chú trọng. Điều này được thể hiện trong các Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ. Đáp lại sự tin tưởng và kỳ vọng đó, sau 5 năm ngành giáo dục phải chứng minh được những chuyển biến gắn với thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Bộ trưởng đã dành thời gian để làm rõ hơn về 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp đặt ra cho ngành trong năm học này và những năm tiếp theo. Đồng thời mong muốn, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ bám sát những nhiệm vụ và giải pháp đã đặt ra, có kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tiễn của địa phương để triển khai linh hoạt và hiệu quả.
Trong đó, đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, rà soát lại quy hoạch phát triển GD&ĐT, có kế hoạch đầu tư cho phù hợp. Việc đầu tư đúng và trúng có ảnh hưởng rất lớn đến nâng cao chất lượng GD&ĐT. Cùng với đó, là việc rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định, làm cơ sở để sắp xếp, bổ nhiệm. Giao Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của tỉnh.
Bộ trưởng khẳng định: “Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra chủ trương, đường lối và quy hoạch còn những chủ trương, đường lối đó có thành công hay không chính là phụ thuộc vào các địa phương”
Trước những kiến nghị của tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng triển khai thực hiện và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp thu, phối hợp tìm chuyên gia để thành lập các nhóm tư vấn và trao đổi cụ thể.