Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa

GD&TĐ - Chiều 22/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chiều 22/12.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chiều 22/12.

Làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, về phía tỉnh Thanh Hóa, có các ông: Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh, Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa,....

Sau khi nghe lãnh đạo UBND  tỉnh Thanh Hóa thông tin về tình hình giáo dục trên địa bàn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đóng góp nhiều ý kiến đối với ngành giáo dục của địa phương.

Đánh giá về giáo dục mầm non và phổ thông trên 3 phương diện, Bộ GD&ĐT cho rằng: Về tiếp cận và phổ cập giáo dục, đây là điểm sáng của ngành giáo dục Thanh Hóa.

Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường đạt 67,7%, cao hơn 5,2% so với bình quân chung các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và cao hơn 1,5% so với bình quân chung cả nước. Thanh Hóa là một trong 18 tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 3.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc.

Cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, quy mô giáo dục lớn. Theo thống kê, mỗi năm số học sinh tiểu học của tỉnh tăng thêm khoảng 20.000 em.

Điều này tạo sức ép rất lớn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên (GV), dẫn tới việc phải dồn ghép lớp, tăng tỷ lệ học sinh/lớp, vượt quá định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, Thanh Hóa là tỉnh có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khá cao. Trong đó, cấp mầm non là 72%, cao hơn 18,3% so với bình quân các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và cao hơn 23,3% bình quân chung của cả nước.

Cấp tiểu học là 88,73%, cao hơn 18,73% bình quân chung cả nước. Cấp trung học cơ sở là 69,8%, cao hơn 6% so với bình quân chung cả nước.

Tuy vậy, ở 11 huyện miền núi của tỉnh, cơ sở vật chất trường, lớp học chưa đáp ứng nhu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục. Còn nhiều phòng học tạm, phòng học nhờ, đồ dùng, đồ chơi phục vụ giáo dục trẻ còn sơ sài.

Đại diện Bộ GD&ĐT ghi nhận, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh/thành phố có Nghị quyết riêng của HĐND tỉnh về ban hành chính sách xã hội hóa GDMN.  

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quy định về việc thực hiện chính sách xã hội hóa GDMN đến năm 2030, để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường mầm non ngoài công lập.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ mầm non, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tuy vậy, GDMN tư thục, dân lập của tỉnh vẫn phát triển chậm, mới chiếm tỷ lệ 4,8%, trong khi toàn quốc là 20,6%.

Cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, hiện tỷ lệ GV của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn trình độ đào tạo ở mức khá cao. Trong đó, tỷ lệ GV tiểu học của tỉnh đạt chuẩn là 78,7%, cao hơn mức bình quân khu vực Bắc Trung bộ là 76,5%, bình quân cả nước là 62%.

Tỷ lệ GV THCS đạt chuẩn trình độ đào tạo của Thanh Hóa là 87,1%, thấp hơn trung bình các tỉnh Bắc Trung bộ là 90,9%, nhưng cao hơn mức trung bình cả nước là 79%. Đây là thuận lợi đề tỉnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mặc dù vậy, Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu GV nhiều nhất cả nước và thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học. Trong đó, GV mầm non thiếu trên 4.000 người. Tỷ lệ GV trên lớp cấp mầm non mới đạt 1,64 GV/lớp, thiếu 0,56 so với quy định của Bộ GD&ĐT.

Tỷ lệ GV/lớp ở cấp tiểu học mới đạt 1,23, thấp hơn bình quân chung cả nước là 1,42 GV/lớp, so với yêu cầu tỷ lệ tối thiểu 1,5 GV/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo tại buổi làm việc.
Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo tại buổi làm việc.

Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thanh Hóa còn thiếu 3.034 GV tiểu học. Trong đó, thiếu nhiều GV các môn đặc thù, như: Tiếng Anh, Tin học, Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục.

Cùng với đó, việc sáp nhập một số trường tiểu học với THCS đã bộc lộ nhiều bất cập, thực hiện một cách cơ học, chủ yếu là theo địa bàn quản lý. Chưa quan tâm đúng mức tới các yếu tố đảm bảo chất lượng và quyền lợi của học sinh.

Cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, chất lượng giáo dục đại trà của Thanh Hóa ở mức trung bình cả nước, nhưng chất lượng giáo dục mũi nhọn lại đứng ở tốp đầu toàn quốc.

Tại thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp của Thanh Hóa đạt 97,62%, đứng thứ 45/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp của Thanh Hóa đứng thứ 44 cả nước. Tuy vậy, Thanh Hóa có tỷ lệ học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đỗ vào đại học lại đứng ở tốp đầu toàn quốc.

Ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trình bày đánh giá chung về tình hình giáo dục của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT trình bày đánh giá chung về tình hình giáo dục của tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thanh Hóa tiếp tục được duy trì trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi Olympic quốc tế và khu vực.

Từ năm 2015 đến nay, Thanh Hóa đoạt 12 Huy chương Olympic quốc tế (7 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ), xếp thứ 3 cả nước về số HCV và năm nào học sinh Thanh Hóa cũng đoạt HCV Olympic quốc tế. Trong đó, học sinh Thanh Hóa còn đoạt 4 Huy chương Olympic khu vực Châu Á Thái Bình Dương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ).

Nhận định về giáo dục đại học, đại diện Bộ GD&ĐT thông tin: Trên địa bàn Thanh Hóa có 2 trường đại học trực thuộc tỉnh và phân hiệu của 2 trường ĐH (Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Tài nguyên Môi trường Hà Nội).

Trong đó, có 4 ngành đào tạo tiến sĩ, 20 ngành đào tạo thạc sĩ và 59 ngành đào tạo trình độ đại học. Trong số này, mới chỉ có 2 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Các trường đều chưa được kiểm định chất lượng cấp trường.

Cả 2 trường ĐH của tỉnh đều nâng cấp từ trường cao đẳng. Trong đó, Trường ĐH Hồng Đức có truyền thống hơn, quy mô đào tạo lớn hơn. Thế nhưng, tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong tỉnh đều không tuyển đủ chỉ tiêu so với yêu cầu.

Trung bình chỉ đạt khoảng 60%, trong đó, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chỉ tuyển sinh được khoảng 40% chỉ tiêu.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ của Trường ĐH Hồng Đức là 27,2% xấp xỉ mức bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này của Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa rất thấp, mới chỉ đạt 11,1%.

Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: Thanh Hoá luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Song, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ GD&ĐT.

Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chích sách, chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo tạo bước chuyển mạnh mẽ, để đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh lên tầm cao mới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền núi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Thanh Hoá cần tập trung xây dựng đưa vào thực hiện 3 đề án liên quan đến “phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên”, “rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất” và “phát triển nguồn nhân lực”.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc.

Để xây dựng và thực hiện tốt các Đề án trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, HĐND tỉnh cần ban hành nghị quyết làm cơ sở triển khai thực hiện.

Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Thanh Hoá cần quan tâm hơn nữa đến sự phát triển giáo dục của 11 huyện miền núi; Tổ chức rà soát, sắp xếp lại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, quan tâm đến vấn đề tạo đạo nghề.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, GV các cấp, các bậc học đáp ứng yêu cầu đổi mới, để cùng với cả nước thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tham dự buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tham dự buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đối với sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua.

Đồng thời, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT, đặc biệt là việc thực hiện 3 đề án mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gợi ý triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng; đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đòi hỏi cách làm mới, quyết tâm cao của tỉnh, nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng GD&ĐT của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ