Đà Nẵng: Tạo chủ động, nhập cuộc cho giáo viên, phụ huynh và học sinh

GD&TĐ - Rà soát, đánh giá lại hiệu quả những việc quản lý của ngành và mạnh dạn thay đổi, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đang nỗ lực giảm thiểu tối đa những bất lợi cho HS trong suốt quá trình học, tạo sự hưng phấn cho cả người dạy và người học để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2016 – 2017 vì vậy là một năm học với nhiều đổi mới của ngành GD&ĐT Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Tạo chủ động, nhập cuộc cho giáo viên, phụ huynh và học sinh

Xin ông cho biết một số nét mới của ngành GD&ĐT Đà Nẵng trong năm học 2016 – 2017?

Ngay trước ngày khai giảng năm học mới, ngành GD&ĐT đã ban hành quy chế, quy định liên quan đến tuyển sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10, thi vào lớp 10 chuyên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thi nghề phổ thông, thi HS giỏi các bậc học.

Cùng với đó, khung thời gian năm học của các bậc học cũng sẽ được công bố. Sở chủ trương tích hợp các bậc học vào cùng một khung, nhìn vào đó, phụ huynh có thể biết được cùng thời điểm đó, ở các bậc học có những hoạt động trọng tâm nào diễn ra. Việc công khai sớm những thông tin này sẽ tạo tính chủ động, nhập cuộc, biết trước cho GV, HS và phụ huynh.

Năm học này, lần đầu tiên Đà Nẵng triển khai đại trà việc cho HS ở bậc THPT tự chọn phân môn phù hợp với sở thích, năng lực của mình và điều kiện thực tế của nhà trường để học ở môn thể dục.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đã tham mưu để UBND thành phố ban hành một số đề án quan trọng, có tầm chiến lược và dài hơi như quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; đề án phát triển tổng thể giáo dục thể chất từ nay đến 2030, đầu tư xây dựng các nhà đa năng, sân thể thao dùng chung; ban hành Khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành GDĐT giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tích hợp toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu của toàn ngành.

Thưa ông, mục tiêu giảm tải tối đa cho người dạy và người học được ngành GD&ĐT Đà Nẵng triển khai như thế nào?

Đà Nẵng: Tạo chủ động, nhập cuộc cho giáo viên, phụ huynh và học sinh ảnh 1 Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng.

Trước hết, mùa hè năm 2016, lần đầu tiên, HS được “trả lại” trọn vẹn 3 tháng hè, không tổ chức dạy - học trước ngày khai giảng năm học mới. Cùng với việc được nghỉ 3 tháng hè, các trường học đồng loạt mở cửa trong dịp hè để HS có điều kiện đọc sách, học năng khiếu; đẩy mạnh việc học bơi cho HS lứa tuổi Tiểu học… Đây đều là những chủ trương nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao phụ huynh và dư luận xã hội.

Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục triển khai mở cổng trường hè với nhiều hoạt động bổ ích, sôi động như sinh hoạt các CLB, đội nhóm, các lớp học năng khiếu, kỹ năng sống, tủ sách mở… giúp phụ huynh yên tâm với kỳ nghỉ hè của con mình. Điều này cũng góp phần tạo sự cân bằng tâm lý cho HS, tránh cho các em khỏi suy nghĩ trường học chỉ toàn áp lực học tập, các em có thể đến trường để vui chơi và xem đó như một sân chơi của mình.

Cũng từ thành công của chủ trương mở cổng trường hè, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện “trường học sáng đèn”, mở cổng trường và khu luyện tập thể thao để HS và nhân dân có thể vào tập luyện sau giờ học. Các trường học có thể tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, kĩ năng sống, các bộ môn năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao…

Chủ trương giảm tải được ngành GD&ĐT Đà Nẵng triển khai với những việc làm rất cụ thể như không đưa thêm các hoạt động khác vào trong chương trình học; GV dạy học bám sát chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng với mục tiêu cơ bản của bài học, rà soát việc phân bổ thời khoá biểu có lợi cho HS, không để tình trạng 1 ngày, 1 buổi HS phải học quá nhiều môn học.

Về phía CBQL và GV, chúng tôi thực hiện giảm thiểu tối đa việc hội họp, báo cáo, thống kê… đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy – học, quản lý giáo dục để GV tập trung vào công tác chuyên môn. Những hoạt động thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ của các bậc học, ngành học cũng được bố trí thời gian cho hợp lý, để những hoạt động cùng đồng thời diễn ra, không để trường hợp các hoạt động diễn ra trong suốt năm học, ảnh hưởng tâm lý học tập của HS.

Xin ông cho biết những tồn tại, thách thức cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành GD&ĐT Đà Nẵng trong thời gian tới?

Ngoài những thành tích đạt được, ngành GD&ĐT Đà Nẵng cũng còn gặp một số khó khăn, tồn tại. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tuy có đầu tư song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của sự nghiệp giáo dục thành phố. Số vốn đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm không đủ để đầu tư hoàn thành các dự án phát triển mạng lưới trường lớp theo quy hoạch.

Công tác dạy học ngoại ngữ được chú trọng, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều đột phá trong dạy và học, kết quả vẫn chưa đạt như mong đợi. Chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng chưa cao. Công tác phân luồng sau THCS còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn một số hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ giữa thu hút và đào tạo, giữa đào tạo và sử dụng. Thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo với sản xuất, kinh doanh.

Chúng tôi nhận thức rằng, khó khăn nhất trong việc triển khai thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/TW chính là thay đổi nhận thức. Trước một thay đổi bao giờ cùng gặp phải nhiều khó khăn, ngoài sức ỳ thì còn là lực cản từ những thói quen cũ, kinh nghiệm cũ để phán xét và nhìn nhận những vấn đề mới. Do vậy, thay đổi nhận thức cần phải thực hiện một cách kiên trì thì hiệu quả mới đạt được như mong muốn.

Chủ trương của ngành GD&ĐT là chủ động trong công tác truyền thông, minh bạch thông tin, trong đó, ngoài tuyên truyền về những hoạt động của ngành, giới thiệu gương người tốt việc tốt, gương điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa, khích lệ thầy cô giáo và HS, chúng tôi cũng không tránh né đề cập đến những khó khăn của ngành để nếu có thể thì chung tay cùng chúng tôi tháo gỡ.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.