Sáng 8/11, trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến nay việc dạy các môn tích hợp vẫn còn “vướng” trong việc triển khai.
Đề án 732 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016, là đề án có tính chất khung, định hướng để tăng cường bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; đồng thời phục vụ cho việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nếu không có và không triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc bồi dưỡng giáo viên, nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp dạy vẫn được tiến hành bình thường.
Trong đề án này, Bộ GD&ĐT có thể tìm ngân sách từ các nguồn để bồi dưỡng giáo viên phục vụ cho đổi mới. Trong đó, các giáo viên ở 3 cấp được tập huấn để có thể thích ứng với các phương pháp giảng dạy mới.
Từ khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được ban hành và triển khai, mới có căn cứ cần có giáo viên dạy môn tích hợp. Các trường sư phạm mới có căn cứ để triển khai chương trình đào tạo và tuyển sinh.
"Để đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, không phải bắt đầu bằng việc tuyển đội ngũ giáo viên hoàn toàn mới. Thay vào đó, cần bắt đầu từ lực lượng cũ, đã và đang được tập huấn, hỗ trợ. Những giáo viên năng động tích cực tham gia tập huấn và tích cực trong thực tế đã thích ứng được với các môn tích hợp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Theo Bộ trưởng, các trường không nhất thiết phải cùng lúc yêu cầu giáo viên dạy 2 - 3 mạch kiến thức trong môn tích hợp mà phải tuỳ theo năng lực giáo viên. Từng bước để lực lượng giáo viên thích ứng và không quá áp lực.
"Đổi mới là một quá trình, nên cần từng bước để truyền tải Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Lứa sinh viên được đào tạo về dạy học tích hợp sẽ ra trường vào năm 2024. Vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.