Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo dục Thủ đô phải luôn là đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa

GD&TĐ - Sáng 8/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Cùng dự, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn, Ngô Thị Minh; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phía thành phố Hà Nội có: Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng đại diện Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố và đại diện các cơ quan, sở ngành có liên quan của Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện “mục tiêu kép”: phòng chống dịch và dạy-học tốt

Báo cáo về công tác phát triển giáo dục-đào tạo thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các trường học trên địa bàn, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết:

Thời gian qua,Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản, kế hoạch, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho ngành Giáo dục và Đào tạo linh hoạt, thuận lợi triển khai các nhiệm vụ, chương trình năm học; thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch vừa tổ chức dạy tốt, học tốt.

Trước khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, Thành phố đã ban hành các Nghị quyết và nhiều quyết sách, đề ra các chỉ tiêu phát triển giáo dục; đồng thời chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức dạy và học, tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả xuất sắc, toàn diện, đều khắp ở các cấp học.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thành phố đã thống nhất chủ trương giảm 50% học phí năm học 2021-2022 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục nhằm chia sẻ khó khăn cho người dân cũng như các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn.

Chủ trì buổi làm việc (từ trái sang): Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh.
Chủ trì buổi làm việc (từ trái sang): Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh.

Với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Thành phố đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và các em học sinh không bị gián đoạn.

Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời và đã đạt được những kết quả toàn diện. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

Chất lượng giáo dục toàn diện; chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, bảo đảm chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm.

Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa...

Ngành Giáo dục Thủ đô xác định trọng tâm giai đoạn 2021-2025 thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông mới theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp và hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên của Thành phố.

Mục tiêu là phấn đấu tỉ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80-85%; đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất, tăng nguồn lực cho phát triển giáo dục; tiếp tục xây dựng nhà trường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá, chuẩn hóa và xã hội hóa; triển khai có hiệu quả các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc.

Không linh hoạt về đội ngũ, tổ chức bộ máy, Hà Nội sẽ luôn trong tình trạng “ăn đong”

Về khó khăn, báo cáo của Hà Nội chỉ rõ việc vẫn còn một số phường trong các quận nội thành còn thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh do dân số trên địa bàn phường quá đông.

Quản lý các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục do một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư so với Luật Giáo dục và Điều lệ trường học của các cấp học như tỷ lệ học sinh người Việt Nam trong các trường quốc tế, tạo rào cản hạn chế sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các trường công lập của Hà Nội thiếu giáo viên và nhân viên, đội ngũ giáo viên các trường ngoài công lập thường xuyên biến động...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Nói về nội dung này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thừa nhận chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền trên địa bàn Thành phố; thiếu quỹ đất cho giáo dục ở một số quận nội thành; quản trị trường học chưa theo kịp xu thế phát triển kinh tế xã hội…

Cho biết, mục tiêu định hướng lớn của Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045 xác định giáo dục đào tạo Hà Nội phải là giáo dục đào tạo chất lượng cao hàng đầu của cả nước, có năng lực cạnh tranh với quốc tế. Muốn làm được việc này, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng cần thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội đô; tính toán, cân nhắc lại tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các đô thị đặc thù, trước mắt với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

“Với áp lực tăng dân số cơ học vô cùng lớn, nếu không linh hoạt về đội ngũ, tổ chức bộ máy, thì Hà Nội sẽ luôn trong tình trạng “ăn đong”” - ông Nguyễn Văn Phong cho hay.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Ngoài ra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh hướng những trường mới xây dựng tính toán theo mô hình nhiều cấp học; nghiên cứu quy định giúp một số tỉnh thành có độ mở về nền kinh tế như Hà Nội được chủ động hơn hội nhập quốc tế về giáo dục…

Phát biểu tại buổi làm việc, các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đánh giá cao kết quả mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đạt được trong thời gian qua; đồng thời đưa ra những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới và thông tin lại một số nội dung Hà Nội đề xuất, kiến nghị.

Trong đó có đề nghị thành phố Hà Nội cần giải pháp để rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các quận huyện trên địa bàn; quan tâm đến quỹ đất cho giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; giảm sĩ số học sinh trên lớp, giảm số lớp trong một trường; chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên; quan tâm cơ chế chính sách, đặc biệt là số người làm việc trong các phòng Giáo dục và Đào tạo; chú trọng phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ từ các trường đại học đóng trên địa bàn; có định hướng rõ ràng để hỗ trợ việc di dời cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục,…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Giáo dục Thủ đô có tính chất đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa

Nhắc lại cả kết quả và hạn chế, tồn tại của giáo dục Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: Hà Nội luôn xác định giáo dục và đào tạo là công việc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp. Cần nhìn nhận rõ những thuận lợi, khó khăn; đặc biệt tìm hiểu thật căn cơ nguyên nhân khó khăn và hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, để tìm ra giải pháp; sau đó là tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Yêu cầu rất đúng, nhưng cũng rất khó với Thủ đô hiện nay là giảm sĩ số học sinh trên lớp. Chia sẻ điều này, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng bài toán quy hoạch mạng lưới là vô cùng quan trọng, giảm tải trong nội đô - đây là việc dài hơi. “Phát triển giáo dục phải phù hợp với phát triển kinh tế xã hội từng địa phương, từng địa bàn và phù hợp chung với cả nước” - ông Đinh Tiến Dũng cho hay.

Về những nội dung cần tập trung, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và quan tâm đến nhóm vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng, tăng cường xã hội hóa giáo dục, cải cách hành chính… Công tác phòng chống Covid-19 trong trường học cũng sẽ được tiếp tục quan tâm chỉ đạo theo hướng thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ về giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc đến những đặc thù: quy mô lớn, cơ hội và thuận lợi nhiều, nhưng thách thức và áp lực cũng rất lớn. Có thể nói, không có địa phương nào, áp lực về chất lượng, đòi hỏi và kì vọng của xã hội đối với giáo dục lại cao như ở Hà Nội.

Khẳng định giáo dục đào tạo Thủ đô có tầm quan trọng đặc biệt, điều này, theo Bộ trưởng không chỉ bởi quy mô chiếm đến khoảng 10% của giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục đại học cả nước, mà còn bởi tính chất đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt. Hà Nội là Thủ đô văn hiến, thanh lịch; mà văn hiến, thanh lịch không thể được xây đắp trong một nền giáo dục trung bình.

“Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế trong giáo dục; đặc biệt trong đó là chất lượng giáo dục” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Về một số việc cần làm, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần có một kế hoạch, thậm chí là chiến lược, để làm sao đạt mục tiêu giảm được sĩ số học sinh/lớp; một con số Bộ trưởng đơn cử là “không còn lớp học nào sĩ số trên 40 học sinh”. Đây là việc rất lớn và cần vận dụng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu này; trong đó có giải pháp cho từng nhóm, từng khối, từng khu vực; khối đô thị cổ có giải pháp khác, khối đô thị cũ có giải pháp khác, đô thị mới hiện đại có giải pháp khác…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Với đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng nhấn mạnh việc rất quan trọng là phát triển phương diện con người về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ. Hà Nội có lợi thế không gian giáo dục không chỉ trong trường học, mà còn có cả các công viên, nhà văn hóa, khu thể thao, thư viện, bảo tàng, các không gian văn hóa công cộng… Thành phố cần tận dụng, có định hướng khai thác toàn bộ tiềm lực không gian văn hóa này để phát triển giáo dục một cách toàn diện, có chiều sâu và chất lượng.

Về giải pháp chính sách, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hà Nội cần thiết xem xét thí điểm, ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô; chẳng hạn về hợp tác công tư trong giáo dục, mô hình trường liên cấp, giải pháp huy động giáo viên, …; có chính sách để phát triển các trường đại học trên địa bàn... Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ cùng tham gia phối hợp; đồng thời Bộ cũng sẽ rà soát hệ thống các chính sách để mở đường cho phát triển giáo dục, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội sớm có đánh giá dự báo về nhu cầu nhân lực của Thành phố để làm một trong các căn cứ phục vụ công tác quy hoạch. Cùng với đó, xem xét đến mô hình các trường năng khiếu, bên cạnh trường chuyên, bằng cả hình thức công, tư.

Trong phát triển theo hướng đô thị thông minh, Hà Nội cần tính đến phát triển không gian học tập, xã hội học tập cho học tập suốt đời. Điều này, theo Bộ trưởng, được xem là tố chất của một đô thị đẳng cấp, để nơi nào cũng có thể học, thỏa mãn mọi nhu cầu về học tập… “Mong vấn đề này sẽ được thảo luận riêng trong một thời gian thích hợp” – Bộ trưởng trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ