Tại buổi làm việc, nhiều nhóm vấn đề lớn thuộc về quản trị và tổ chức, tài chính, thi đua khen thưởng, công tác đào tạo và đầu tư đã được ĐHQG TPHCM kiến nghị. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những trao đổi với ĐHQG TPHCM xung quanh các vấn đề này.
Vị thế dẫn dắt
Trao đổi với Ban giám đốc ĐHQG TPHCM, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định Bộ luôn xem hai ĐHQG là một phần rất quan trọng của hệ thống, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho hệ thống giáo dục. Vì vậy, 2 ĐHQG cần cùng nhau hành động một cách "cứng vai", cùng nhau thấu hiểu và tháo gỡ để cùng phát triển nhanh, mạnh, từ đó thúc đẩy hệ thống GD Đại học phát triển.
"Bộ GD&ĐT luôn xem 2 ĐHQG ở vị thế dẫn dắt. Các kết quả của 2 ĐHQG đạt được là niềm tự hào của ngành. Vướng mắc của 2 đơn vị cũng là cái vướng của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, khi 2 ĐHQG có vướng mắc gì, Bộ GD&ĐT sẵn sàng lắng nghe để cùng nhau tháo gỡ", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận ngành giáo dục đang đứng trước rất nhiều thách thức của sự đổi mới. Tuy vậy, chưa bao giờ sự phối hợp giữa 2 ĐHQG, giữa Bộ KHCN và Bộ GD&ĐT lại khăng khít và chặt chẽ như hiện nay. Đây chính là nền tảng, là cơ sở để công cuộc đổi mới giáo dục của Việt Nam tiếp tục đi đúng hướng.
Về kiến nghị thành lập 2 trường đại học thành viên của ĐHQG TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đều ủng hộ về mặt chủ trương và chính sách. Bộ trưởng cho rằng các vấn đề mà ĐHQG TPHCM đặt ra cần được giải quyết một cách tổng thể hơn.
Về việc phát triển Trung tâm kiểm định giáo dục trực thuộc UBND TPHCM, Bộ trưởng cho biết đã có 3 thông tư ban hành liên quan đến hoạt động kiểm định, khi đầu tư và phát triển Trung tâm thì cần phải vươn ra thành một trung tâm kiểm định mạnh. Hiện nay khi chưa giải được bài toán về độc lập thì cùng nhau bàn về giải pháp đầu tư, phát triển thành trung tâm mạnh, uy tín.
Hai nhiệm vụ quan trọng
Để giải quyết sự phát triển của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT vừa trình Thủ tướng chuẩn bị ban hành Chiến lược phát triển của ngành từ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045.
Chiến lược này cũng lưu ý rất nhiều đến 2 ĐHQG. Bộ trưởng mong 2 ĐHQG nghiên cứu kỹ chiến lược của ngành, xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của mình trong chiến lược và cần hành động như thế nào. Sự đồng hành và xác lập vị trí cần bằng những hành động cụ thể.
"Ngành giáo dục đang làm quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ, mạng lưới trường học trên cả nước. Trong chiến lược ấy có đặt mục tiêu vào Top 500 của thế giới có 5 trường Đại học (có 2 ĐHQG). Vì vậy, hai đơn vị cần xác định nội dung đó trong chiến lược phát triển của mình để có cách làm cụ thể.
Tôi cho rằng 2 ĐHQG cần đề xuất một số nhiệm vụ khoa học lớn tầm quốc gia và thực hiện mạnh mẽ hơn. Thiếu nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn, chúng ta sẽ rất khó để nâng vị thế và tầm vóc học thuật. Tôi mong các thầy, các cô lưu ý phát huy hiệu quả của mô hình (đa ngành, đa lĩnh vực) trong cả nghiên cứu và đào tạo", Bộ trưởng nhắn nhủ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lời nói và hiện thực luôn luôn là khoảng cách. Câu chuyện hiện thực không hề dễ. Bản thân ông đã có kinh nghiệm trong vấn đề này nên theo Bộ trưởng, trong hệ thống quy chế nội bộ của ĐHQG cần có sự thúc đẩy cơ chế bên trong (lợi thế) thành hiện thực nghiên cứu.
Để tầm vóc và vị thế của 2 ĐHQG được thể hiện mạnh mẽ và cụ thể hơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt hàng hai nhiệm vụ.
"Thứ nhất, 2 ĐHQG cần phải lưu tâm hơn đến việc phát hiện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, xem đây là một nhiệm vụ lớn, coi nó như một đặc sắc về mặt đào tạo. Từ các hoạt động đổi mới giáo dục (triển khai tự chủ, triển khai chương trình GDPT 2018), mong rằng hai đơn vị sẽ có sự nghiên cứu về mặt chính sách để tư vấn cho Chính phủ, Trung ương các giải pháp để cùng giải quyết những thách thức đang đặt ra.
Thứ hai, trong đào tạo nguồn nhân lực, hiện chúng ta có cơ cấu đa ngành, 2 ĐHQG có lợi thế về KHCN rất lớn. Trong khi đó, dự báo trong thời gian tới nhu cầu về nhân lực công nghệ, kỹ thuật sẽ thiếu nhiều. Trong đầu tư, phát triển các đơn vị, hai ĐHQG cần có điểm nhấn đầu tư. Tôi mong rằng cần có đầu tư đặc biệt cho vài ngành về mặt chất lượng thuộc nhóm này", Bộ trưởng đề nghị.