Với chủ đề “Hợp tác cho thập kỷ tiếp theo từ những khía cạnh thông thường đến hiệu quả toàn diện” hội nghị Bộ trưởng giáo dục Á - Âu lần thứ 6 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm bộ trưởng giáo dục các nước Á, Âu kết nối lại với nhau – việc này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường sự hợp tác về giáo dục giữa hai châu lục trong một thập kỷ qua.
Các Bộ trưởng , Thứ trưởng và Trưởng đoàn chụp ảnh cùng Thủ tướng Hàn Quốc
Hội nghị đã thông qua tuyên bố Seoul “Tăng cường hợp tác Á - Âu về giáo dục và đào tạo - một tầm nhìn cho thập kỷ tới”. Theo đó, có 2 nội dung mà các Bộ trưởng, Thứ trưởng đã bàn rất sâu tại Hội nghị là “đẩy mạnh việc dịch chuyển và phát triển các kỹ năng” và “phát triển kỹ năng để nâng cao cơ hội việc làm thông qua việc cải tiến chất lượng giáo dục”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã thông tin về việc những đổi mới của giáo dục Việt Nam gần đây. Đồng thời chi sẻ những mối quan tâm, điều chỉnh của giáo dục Việt Nam cho phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như việc phát triển của đào tạo trực tuyến, qua mạng (online), qua các học liệu mở (MOOC)… Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các nước cùng hợp tác với Việt Nam để trao đổi và nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Bà Quốc vụ khanh Tea Varak Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Estonia ký kết Hiệp định hợp tác về giáo dục và khoa học giữa hai Chính phủ
Bên lề của Hội nghị, thừa ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Bà Quốc vụ khanh Tea Varak Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Estonia đã ký kết Hiệp định hợp tác về giáo dục và khoa học giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Estonia. Theo đó, hai bên thúc đẩy việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm, mô hình giáo dục; đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục và khoa học công nghệ, ngôn ngữ, văn hóa; đẩy mạnh việc trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên và các nhà khoa học giữa các cơ sở giáo dục.
Estonia là một đất nước có nền giáo dục có chất lượng cao và là một trong những nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục và đào tạo. Hợp tác về giáo dục giữa hai nước bị gián đoạn trong một khoảng thời gian dài. Hiệp định này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khởi động lại và thúc đẩy hợp tác giáo dục và nghiên cứu khoa học hiệu quả giữa hai bên.
Bên cạnh đó, đoàn công tác của Việt Nam cũng có các buổi làm việc song phương với Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Bộ Giáo dục Ireland. Nhiều hoạt động hợp tác tiềm năng đã được các bên đề cập và trao đổi để có thể triển khai hiệu quả trong thời gian tới.