Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý triển khai nhiệm vụ năm học mới

GD&TĐ - Nhiều nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong năm học 2024-2025 được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT 2024.

BT-Son.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kết luận Hội nghị.

"Chưa bao giờ ngành Giáo dục được cả nước quan tâm, chăm lo như hiện nay"

Phát biểu kết luận Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm học 2023-2024 có vị trí quan trọng trong quá trình đổi mới và toàn ngành đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Các địa phương đã rất tích cực triển khai Chương trình GDPT 2018 cho lớp 4, 8, 11 đúng tiến độ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu đổi mới về tiến độ, chất lượng, không để phát sinh vấn đề lớn. Đồng thời tích cực xử lý những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các môn học mới, dạy học tích hợp; tập huấn nâng cao trình độ giáo viên, hỗ trợ đội ngũ; thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá và tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết nhiều nội dung trong quá trình đổi mới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cũng hoàn thành với kết quả tốt.

Trong năm học vừa qua, các sở GD&ĐT đồng thời tích cực tham gia vào hai hoạt động giải trình lớn. Đó là việc tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; báo cáo giải trình phục vụ đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông và việc xã hội hóa, biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa trong chương trình mới.

Qua đó, có thể thấy chưa bao giờ ngành Giáo dục - Đào tạo được cả nước quan tâm, chăm lo như hiện nay. Vấn đề giáo viên chuyển việc, thiếu giáo viên, áp lực nghề nghiệp, đời sống và chế độ chính sách cho nhà giáo, vấn đề thiếu trường lớp… được toàn xã hội, phụ huynh rất chia sẻ; từ đó giúp việc đề xuất các chính sách của ngành có phần thuận lợi hơn trước.

Một trong số ví dụ được Bộ trưởng đưa ra minh chứng cho nhận định này là việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Nếu thời điểm 10 năm về trước đây là việc rất khó, thì nay với sự ủng hộ, quan tâm rất cao của xã hội, Quốc hội đã chính thức có Nghị quyết bổ sung Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

“Đây là điều rất đáng mừng, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Giám đốc và Lãnh đạo các sở GD&ĐT, cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên toàn ngành”, Bộ trưởng chia sẻ.

hoi nghi 9.jpg
Từ trái qua phải ảnh: Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì Hội nghị.

Một kết quả khác cũng được Bộ trưởng ghi nhận là nhiều tỉnh, thành phố đã có những sáng tạo về chính sách; có sáng kiến, đề xuất với UBND tỉnh, thể hiện quá trình tìm tòi và tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn triển khai. “Mỗi nơi đều có thuận lợi, khó khăn riêng. Các tỉnh, thành phố lớn bên cạnh thuận lợi là áp lực về số đông, sự đòi hỏi chất lượng và giám sát rất cao. Các tỉnh khó khăn, vùng núi thì áp lực từ sự thiếu thốn các điều kiện cho đổi mới và thách thức của chất lượng, sự công bằng trong giáo dục. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả đều đã hết sức cố gắng”, Bộ trưởng ghi nhận.

Về đội ngũ, năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền bổ sung gần 28.000 biên chế. Các tỉnh đã rất tích cực trong tuyển dụng, từ đó tình trạng thiếu giáo viên được giảm bớt. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá...

“Tôi ghi nhận và biểu dương sự quyết liệt, tâm huyết của lãnh đạo các sở GD&ĐT trong công tác tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về phát triển GD-ĐT trên địa bàn; sự chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ đối với giáo dục địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực GD&ĐT, tạo ra sự thông suốt từ trung ương đến địa phương”. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng đồng thời cảm ơn Lãnh đạo các sở GD&ĐT đã đồng sức, đồng lòng, chung tay gánh vác công việc của ngành, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi đầy thử thách hiện nay.

hoi nghi 5.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị.

Nhìn thẳng vào hạn chế để có giải pháp khắc phục

Bên cạnh ghi nhận kết quả, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại cần khắc phục.

Với tình trạng thiếu giáo viên, dù ngành Giáo dục không hoàn toàn được chủ động, còn khó khăn về nguồn tuyển, nhưng Bộ trưởng cho rằng, thực tế vẫn có địa phương vẫn chưa sử dụng hết các chỉ tiêu biên chế. Điều này sẽ gây khó khăn cho ngành Giáo dục trong việc đề xuất thêm chỉ tiêu. Bởi vậy, cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tận dụng biên chế đã có. Việc này cần hết sức ráo riết trong thời gian tới.

Việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông còn nhiều bất cập; còn tình trạng thiếu trường lớp ở một số địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn. Công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em mầm non, đặc biệt ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục tại các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế. Một số địa phương chất lượng phổ cập còn thấp, chưa vững chắc; việc quản lý các cơ sở có yếu tố nước ngoài chưa thực sự hiệu quả, còn phát sinh vấn đề phức tạp cần xử lý.

Vẫn còn một số sở GD&ĐT gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương về Bộ GD&ĐT chậm hơn so với quy định. Công tác truyền thông trong giáo dục còn lúng túng; nhất là khi xử lý các vấn đề phức tạp, sự cố phát sinh trên địa bàn.

Công tác vận động phụ huynh, tuyên truyền để phụ huynh chia sẻ và cảm thông, đồng hành với nhà trường, các thầy cô, vẫn cần phải hết sức lưu ý trong thời gian tới. Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo của một số sở GD&ĐT còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ. Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh; công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý, phòng ngừa ngăn chặn bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả. Bạo lực học đường, an toàn trường học vẫn là vấn đề nóng và phức tạp trong năm qua. Vẫn có một vài sự việc gây tổn hại đến uy tín của nhà giáo và đạo đức nhà giáo trong giáo dục gây bức xúc trong xã hội.

“Đây là những điểm chúng ta cần nhìn nhận và cố gắng khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng đề nghị.

Cần sự đồng hành sâu sắc của cơ sở trong xây dựng chính sách

Năm học 2024 - 2025 đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội Đảng các cấp. Đây cũng là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp học, từ lớp 1 đến lớp 12 .

Để thực hiện triển khai có hiệu quả các mục tiêu trên, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo các sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Quốc hội; Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 29; từ đó ban hành kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể triển khai tại địa phương.

Đồng thời, củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị điều kiện mọi mặt để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030.

Các sở GD&ĐT cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, năm học tới địa phương sẽ chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Bộ trưởng đề nghị Vụ chuyên môn dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng có kế hoạch hỗ trợ địa phương trong chuẩn bị cho Kỳ thi này. Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới, cần có phương án để “chạy thử”, tập dượt, tránh những rủi ro khi tổ chức triển khai chính thức.

Về phương diện xây dựng thể chế, Bộ trưởng mong muốn Lãnh đạo sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT. Trong đó, đặc biệt quan tâm thảo luận, góp ý thật sâu, đầy đủ, toàn diện cho Luật Nhà giáo. Lưu ý làm công tác tư tưởng cho đội ngũ với các nội dung liên quan trong dự thảo Luật để các nhà giáo vừa góp ý xây dựng; vừa làm công tác tuyên truyền vận động cho xã hội; vừa chuẩn bị tinh thần và điều kiện để chủ động thực hiện các nội dung của Luật Nhà giáo nếu được thông qua, ban hành.

Dự thảo Luật đang xây dựng trên tinh thần chuyển từ quản lý mang tính hành chính sang quản trị nguồn nhân lực đối với nhà giáo. Luật cũng nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đem lại nhiều ưu thế và quyền lợi hơn cho đội ngũ. Tuy nhiên, song song với đó, Luật cũng yêu cầu, đòi hỏi nhà giáo phải phấn đấu phát triển nhiều hơn, tạo tiền đề và căn cứ để nâng cao chất lượng giáo dục và làm điều kiện để khôi phục, nâng cao sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo.

“Đó là hai phương diện trong việc xây dựng Luật cần làm công tác tư tưởng với toàn bộ đội ngũ. Nếu chỉ có tâm lý trông chờ Luật sẽ đem lại quyền lợi thì khi yêu cầu đến trách nhiệm và nghĩa vụ sẽ thấy thất vọng, áp lực. Do đó, cần chuẩn bị trước tư tưởng của nhà giáo trong quá trình xây dựng, thảo luận, cũng như ban hành và triển khai thực hiện Luật này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cho biết thêm: Chính phủ đặc biệt lưu ý, trong việc ban hành văn bản, Bộ nào, cục vụ nào soạn thảo các thông tư, nghị định thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân, cản trở sự phát triển, thì phải sớm có xử lý. Mong rằng, các văn bản do Bộ GD&ĐT biên soạn và tham mưu Chính phủ ban hành nhận được sự góp ý đầy đủ, sâu sắc nhất từ cơ sở để bảo đảm chất lượng văn bản khi ban hành.

hoi nghi 4.jpg
Bộ trưởng tặng hoa chúc mừng các tân hiệu trưởng trường ĐH, Học viện quản lý giáo dục.
Hoi nghi.jpg
Bộ trưởng tặng hoa chúc mừng các tân Giám đốc Sở GD&ĐT.

Một số công việc cụ thể trong năm học mới cần lưu ý

Lưu ý một số công việc trong năm học 2024-2025, Bộ trưởng cho biết: Đây là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm nên cần tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để chủ động đầu tư cho giáo dục. “Nếu quan tâm nhưng không đưa được vào kế hoạch trung hạn, kế hoạch 5 năm thì rất khó khăn. Do đó, tham mưu một cách chủ động là khẩu hiệu của chúng ta”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%, cả các tỉnh thành phố có nguồn thu ngân sách lớn cũng như khó khăn để phát triển giáo dục tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hiện nay đang triển khai quy hoạch cấp tỉnh. Trong quá trình triển khai quy hoạch cần lưu ý dành đất đai cho giáo dục một cách đầy đủ. Luật Đất đai sửa đổi sắp có hiệu lực có rất nhiều nội dung ưu đãi cho giáo dục và thúc đẩy quá trình xã hội hóa giáo dục. Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Pháp chế chỉ ra 9 điểm tiến bộ, cởi mở, ưu đãi dành cho giáo dục và đề nghị địa phương nghiên cứu các điểm mới này, từ đó trao đổi với các nhà đầu tư, cũng như khuyến khích xã hội hóa giáo dục.

Bộ trưởng đồng thời lưu ý việc khai thác chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi của mỗi tỉnh thành để phát triển giáo dục; trên đặc thù đó, thí điểm hình thức, phương thức mới để có thể nhân rộng. Cần ưu tiên, tập trung cao cho đổi mới giáo dục phổ thông các lớp cuối cấp; chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất, hướng tới hiện đại hóa cơ sở vật chất. Đặc biệt, cần chuẩn bị phương án để bảo đảm kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục đến năm 2030.

Cùng với đó, quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng; tiếp tục triển khai lộ trình nâng chuẩn. Quan tâm phát triển các trường dân tộc nội trú, giáo dục dân tộc. Lưu ý việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh trên cơ sở tự nguyện; kiến nghị các chính sách để bảo đảm quyền được lựa chọn của người học. Có giải pháp giảm “bệnh” thành tích...

Trong phát biểu, Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tiếp tục hỗ trợ, nâng cao năng lực cho trên 50 nghìn hiệu trưởng trên cả nước. Đội ngũ hiệu trưởng có vai trò quan trọng, thậm chí quyết định đến đổi mới; là nhân tố thúc đẩy đổi mới trong trường học, nhưng cũng rất dễ trở thành lực cản đổi mới. Do đó, cần có cơ chế giám sát quyền của các hiệu trưởng. Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, cùng với việc giao thêm quyền tự chủ cho lãnh đạo trường học, giáo viên, hình thức hỗ trợ, giám sát, các quy chế cũng phải tăng cường theo. Nhiều tỉnh thành đã tổ chức trao đổi, đối thoại với giáo viên. Hoạt động này cần khuyến khích nhiều hơn để kịp thời nắm bắt nguyện vọng, tâm tư đội ngũ, từ đó có xử lý về mặt chính sách.

Một số nội dung khác được Bộ trưởng chia sẻ, nhấn mạnh như: Tăng cường công tác vận động phụ huynh để lực lượng này thấu hiểu, ủng hộ, đồng tình với ngành; làm tốt công tác truyền thông, cả truyền thông nội bộ và với xã hội; kết nối nhiều hơn giữa Lãnh đạo các sở GD&ĐT; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác giáo dục quốc phòng – an ninh, y tế trường học, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành...

hoi nghi 2.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT đã trao đổi về những kết quả đạt được, những kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ giáo dục tại địa phương; đặc biệt là chia sẻ về những khó khăn, giải pháp tháo gỡ và nêu kiến nghị, đề xuất với Bộ GD&ĐT. Trong đó, khó khăn, giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, cơ sở vật chất vẫn được nhiều địa phương đề cập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.