Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác do ông Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu, vào sáng 26/8 tại Hà Nội.
Tác động lâu dài của Covid-19
Thông tin về việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nguồn kinh phí từ chính sách lên tới 62.000 tỷ đồng và được kết cấu từ nhiều nguồn khác nhau gồm việc chi tiền mặt và các chính sách hỗ trợ khác.
Bộ trưởng cho biết, các địa phương đã phê duyệt danh sách các nhóm đối tượng được thụ hưởng lên tới 16,8 triệu người. Đồng thời, việc giải ngân qua hệ thống kho bạc nhà nước được gần 12.000 tỷ đồng, tính tới hết ngày 31/7.
Theo đó, khoản gần 12.000 tỷ đồng trên được trích từ 36.000 tỷ đồng tiền mặt trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động và doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ các chính sách khác của gói 62.000 tỷ đồng, gồm: Tạm dừng đóng BHXH, cho vay để trả lương lao động, chi trả trợ cấp thất nghiệp…
Tới thời điểm này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tác động của Covid-19 tới người lao động và đặc biệt là doanh nghiệp đã rất cụ thể.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, thời điểm trước dịch Covid-19, mỗi tháng thị trường lao động tiếp nhận mới từ 80.000 - 90.000 lao động. Riêng lực lượng lao động có việc làm thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là khoảng 11.000 người/tháng.
"Nhưng từ tháng 4-5, thị trường lao động giảm tiếp nhận khoảng 60.000 lao động mỗi tháng. Lĩnh vực lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng mới dừng vài tháng qua và khởi động với khoảng 2.000 lao động trong tháng 7…” - Bộ trưởng thông tin thêm.
Được biết trong giai đoạn tháng 4 - 5, Covid-19 khiến các doanh nghiệp bị "đứt gãy" chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và gây đình trệ sản xuất kinh doanh. Hậu quả khiến doanh nghiệp phải áp dụng tình trạng ngưng việc tạm thời, giãn việc. Nhiều người lao động đã rơi vào tình cảnh mất việc.
Quan tâm tới khu vực phi chính thức
Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có khoảng 19,3 triệu lao động phi chính thức, chiếm 35,6 % lao động có việc làm. Lao động phi chính thức tồn tại trong khu vực chính thức (có quan hệ lao động) và khu vực phi chính thức.
Trong khu vực chính thức, lao động phi chính thức tập trung cao nhất ở nhóm 25-49 tuổi, chủ yếu là người làm công ăn lương trong các hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Trong khu vực phi chính thức, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi cao hơn, từ 50-54 tuổi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, đối với nhóm người lao động, Covid-19 đã và đang tác động sâu nhất tới nhóm lao động phi chính thức. Trong tình hình khó khăn này, nếu không chăm lo tốt cho lực lượng lao động phi chính thức thì nhiều tác động bất lợi có thể xảy ra.
Phân tích cho thấy, ở chừng mực nào đó, nhóm người lao động thuộc khu vực chính thức, như công nhân viên chức, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước có thể "trụ được" trong một thời gian nữa, nhưng với những lao động phi chính thức đã thực sự rất khó khăn.
“Chính vì vậy, Bộ có dự tính tham mưu cho Chính phủ việc tiếp tục hỗ trợ khắc phục Covid-19 theo hướng cần ưu tiên theo thứ tự nào? điểm gì ưu tiên hỗ trợ cho khu vực nào trước? phương án tính toán ra sao?. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu và bàn thảo kỹ hơn…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Tăng cường nghiên cứu về tác động tới lao động phi chính thức
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Triệu Tài Vinh đánh giá cao việc Bộ LĐ-TB&XH đã có chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và có chất lượng trong xây dựng thể chế và thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ trong thời gian, qua đó có những kết quả đáng mừng trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
“Ban Kinh tế Trung ương cũng đang nghiên cứu, tập hợp lại các mô hình, cách làm hay từ các địa phương, bộ, ngành để qua đó có thêm chất lượng cao hơn trong công tác tham mưu về quản lý nhà nước…” - ông Triệu Tài Vinh cho biết.
Cũng tại buổi làm việc, ông Triệu Tài Vinh đề nghị hai bên sẽ có những hợp tác sâu hơn trong việc nghiên cứu sâu nhiều khía cạnh thực tiễn của vấn đề lao động trong khu vực phi chính thức trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, sự dịch chuyển lao động giữa khu vực phi chính thức và chính thức, công tác triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như việc hoàn thiện chính sách an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động…