Ảnh minh họa.
Thời gian qua, các cơ sở được quản lý tốt hơn, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở quá tải, đa phần các cơ sở quá tải gấp 2 lần, có những nơi gấp 4 lần.
Đáng lưu ý, 43% đối tượng cai nghiện đều có tiền án tiền sự, nhất là các tỉnh phía Nam có tới 90% người sử dụng ma túy đá nên việc quản lý khó khăn. Một số nơi quá tải dẫn đến tình trạng học viên phá trại, phá cơ sở.
“Sau khi triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện, tới nay, các cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý tốt hơn, nhất là trong việc phân loại đối tượng nghiện, tạo ra môi trường thân thiện, mở ra cơ hội đào tạo nghề, hỗ trợ sau cai nghiện…
Tuy nhiên hầu hết cơ sở đang rơi vào tình trạng quá tải, có nơi gấp 4 lần so với quy mô thiết kế. Ngoài ra, mỗi loại nghiện lại cần có một phác đồ điều trị khác nhau, trong khi đó, các cơ sở rất hạn chế về cơ sở vật chất, thiếu bác sĩ có chuyên môn sâu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, tình trạng quá tải, thiếu cơ sở vật chất đã dẫn tới một số vụ học viên nổi loạn phá trại, phá cơ sở. Thủ tướng đã có chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng trên.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận hiệu quả công tác cai nghiện đạt được thấp, 90% học viên sau cai nghiện lại tái nghiện.
“Số tái nghiện chủ yếu rơi vào độ tuổi thanh niên. Cần tăng cường tiến hành quản lý giáo dục tại gia đình, cộng đồng xã hội; cố gắng mọi biện pháp không để thanh niên vào con đường nghiện ngập. Đồng thời phải thực hiện cùng lúc 3 mô hình cai nghiện: cai nghiện cộng đồng, cai nghiện tại gia đình và cai nghiện bắt buộc. Trong đó, cai nghiện bắt buộc là con đường cuối cùng khi hai mô hình trên thất bại”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đề xuất.