Thương mại hóa tâm linh là phạm pháp
Theo ĐBQH Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa), sự phát triển các dự án khu du lịch tâm linh gần đây được đầu tư rất lớn tầm cỡ kỷ lục quốc gia, khu vực và thế giới. Báo cáo của Bộ VH,TT&DL đã đánh giá việc quản lý thu chi tiền công đức công khai, minh bạch. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết tính chính xác của nhận định trên, tổng thu chi tiền công đức hàng năm là bao nhiêu? Sử dụng vào mục đích gì? Bộ trưởng có chủ trương thanh tra, kiểm soát nguồn thu chi cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng mang tính xã hội hóa hiện nay hay không?
Bên cạnh đó, Bộ quy định mỗi di tích không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều điểm tâm linh đặt hòm công đức dày đặc, việc cúng thuê đang tạo nên tình trạng thương mại hóa tâm linh biến việc linh thiêng này trở nên phàm tục. ĐBQH Mai Sỹ Diến đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình với những tồn tại nêu trên?
Trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện chưa có văn bản pháp quy nào quy định tiền công đức thu như thế nào. Chỉ có văn bản của Bộ VH,TT&DL và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sử dụng tiền công đức. Thông tư liên tịch 04 năm 2014 đã hướng dẫn tiền, tài sản người dân công đức tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo phải được sử dụng đúng mục đích. Chính phủ đã ban hành Nghị định 110 liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề này. Do Nghị định mới ban hành năm 2018, nên Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng văn bản này.
Quan tâm đến vấn đề thương mại hóa công trình tâm linh, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, đây là nội dung đang gây bức xúc dư luận. Đối với khía cạnh quản lý văn hóa, Bộ trưởng khẳng định chưa nhận được thông tin quan chức góp vốn để xây dựng chùa. Bộ trưởng đề nghị, các ĐBQH có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định pháp luật.
Chưa phát hiện việc kinh doanh tôn giáo
Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, dư luận hiện nay cho rằng có hiện tượng kinh doanh chùa, đền. Vì vậy, trước diễn đàn công khai của Quốc hội, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, có hay không hiện tượng này để xóa tan băn khoăn của người dân? Việc sử dụng tiền công đức được quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, nhưng khoản tiền này có thực sự được sử dụng công khai, minh bạch không? Cơ quan nào có trách nhiệm giám sát hoạt động sử dụng khoản tiền này để bảo đảm thực sự được sử dụng công khai, minh bạch? Trả lời tranh luận này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện một lần nữa khẳng định, Bộ VH,TT&DL hiện chưa nhận được báo cáo nào về hiện tượng kinh doanh chùa, đền.
Tham gia giải trình, làm rõ nội dung về việc có hay không việc kinh doanh đền, chùa mà khá nhiều ĐBQH nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của pháp luật, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì không có hiện tượng kinh doanh tôn giáo. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện hiện tượng kinh doanh tôn giáo. Khẳng định điều này, song Bộ trưởng cũng thừa nhận, trên thực tế, trong thời gian qua, có một số cá nhân dựa vào cơ sở thừa tự, tôn giáo, niềm tin của nhân dân, của phật tử để hoạt động mê tín, dị đoan, trục lợi và gây bức xúc trong xã hội.
Về các ý kiến cho rằng một số cán bộ góp tiền để xây chùa, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, theo báo cáo của Ban Tôn giáo, Bộ Nội vụ nắm được, thì đến nay chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền xây dựng chùa. Theo quy định tại khoản 3, Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thành lập theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp chung thực hiện. Thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở tôn giáo cũng do nhân dân hoặc doanh nghiệp đóng góp.
Xung quanh sự sự việc liên quan đến chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, từ ngày 20 - 28/3 vừa qua, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nội vụ, các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Trị sự của Hội Phật giáo Việt Nam có nhiều văn bản báo cáo gửi các bộ, ngành xác minh, làm rõ và báo cáo với Chính phủ nội dung này. Qua xác minh, làm việc với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh và Hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất những sai phạm pháp luật và giới luật của Phật giáo, từ đó đưa ra hình thức xử lý phù hợp.