Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của ngành

GD&TĐ - Sáng 8/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc và Lê Hải An đồng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm qua ngành GD-ĐT đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế, khoa học trẻ quốc tế đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay; Lần đầu Việt Nam có các trường đại học lọt tốp châu lục và thế giới; Bộ đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thong mới (Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018); Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm 2018, GD-ĐT có nhiều cảm xúc. Nhìn tổng thể, chúng ta thực hiện và đã đạt được kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây là sự cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng đề nghị, năm 2019 các Vụ, Cục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Theo đó, cần ổn định trường lớp, sắp xếp lại trường sư phạm và các trường đại học, tạo tiền đề cho quy hoạch mạng lưới các trường đại học. Cùng với đó là phát triển đội ngũ nhà giáo. Theo Bộ trưởng, vấn đề thừa thiếu giáo viên có thể giải quyết được, mặc dù không phải dễ. Cái chúng ta cần quan tâm sâu sắc là chất lượng giáo viên cả về chuyên môn cũng như đạo đức.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Đối với đại học, Bộ trưởng đề nghị cần rà soát cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, Bộ sẽ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, còn các trường sẽ chủ động tăng cường bồi dưỡng kỹ năng quản trị nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ.

Bộ trưởng lưu ý, cần quan tâm chú trọng đến phát triển ngoại ngữ, nhất là chuyển giao chương trình đào tạo. Đồng thời tránh tình trạng dạy học Tiếng Anh không có bài bản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý và tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng đề nghị các Vụ, Cục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, cải cách hành chính, trong đó tập trung vào công tác pháp chế, trước mắt là 2 luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục sửa đổi. Thứ hai, tăng cường năng lực của cán bộ quản lý từ Bộ GD&ĐT cho đến Sở GD&ĐT và đến các nhà trường. Đối với các trường đại học, cần tập trung vào kỹ năng quản trị nhà trường, tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ. Thứ ba, tiếp tục đầu tư cho giáo dục, tạo cơ chế tài chính cho các trường đại học. Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Thứ tư, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng các kỳ thi nói chung trên tinh thần thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và chất lượng. Thứ năm là chủ động đẩy mạnh truyền thông giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.