(GD&TĐ)-Đề thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ tới sẽ được ra trong chương trình THPT, nằm nhiều ở chương trình lớp 12. Đề được ra một cách căn bản, không đánh đố học sinh, với những môn khoa học xã hội nhân văn sẽ ra đề theo hướng mở và không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc. Riêng đề thi ĐH có thêm yêu cầu phân loại được trình độ học sinh để tuyển chọn nên sẽ có những câu khó hơn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời". Ảnh: NN |
Đó là những thông tin liên quan đến hai kỳ thi quốc gia quan trọng sắp tới được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 26/5.
Trả lời băn khoăn của giáo viên với việc nhận biết các thiết bị ghi âm ghi hình được phép mang vào phòng thi theo quy định của quy chế mới năm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, không nên đặt vấn đề có quá nhiều loại thiết bị phức tạp mà chỉ đặt vấn đề ngăn chặn những thiết bị phát hình và phát âm trực tiếp tại phòng thi.
Để phát hiện thiết bị có phát hình trực tiếp không, chỉ cần nhìn xem thiết bị đó có màn hình không, nếu có màn hình nghĩa là có phát hình thì không cho mang vào; tương tự, thiết bị phát âm trực tiếp phải có loa, có tai nghe, nếu không có hai chi tiết đó sẽ không thể phát âm trực tiếp được.
Trước những băn khoăn của cơ sở, Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều này.
“Chúng tôi tin việc bổ sung quy chế này sẽ nâng cao trách nhiệm, nâng cao khả năng giám sát đối với các lực lượng tham gia vào kỳ thi” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Liên quan đến số lượng hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ năm nay giảm, đặc biệt là khối ngành quản trị kinh doanh và tăng lượng hồ sơ các khối ngành nông nghiệp, thủy sản, khoa học công nghệ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đây là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn khi lượng thí sinh thi vào ngành khoa học giáo dục vẫn còn đông:
“Rất cảm ơn các cháu yêu quý ngành sư phạm, tuy nhiên lượng HSSV tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ sư phạm trong mấy năm vừa rồi khá lớn và sự dung nạp của các cơ sở đào tạo có mức độ, chúng ta cần tiếp tục có điều chỉnh. Nhưng cũng rất mừng là cách xem xét, cách lựa chọn ngành nghề và trường dự thi các cháu đã cân nhắc dựa trên nhu cầu của xã hôi, diễn biến của thị trường lao động, đó là một dấu hiệu rất tốt”.
Với các giáo viên, học sinh trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ tới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắn nhủ: Các cháu cần bình tĩnh, tự tin, nên giữ gìn sức khỏe, học một cách khoa học, điều độ. Khi vào làm bài cần bình tĩnh đọc kỹ đề, làm câu dễ trước, câu khó sau, làm đến đâu chắc đến đó và làm bài một cách trung thực, đối diện với chính mình và tự vượt qua bản thân mình.
Với các thầy cô giáo, mong các thầy cô với tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tuân thủ đầy đủ quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh làm bài trong môi trường nghiêm túc, bình tĩnh, từng bước đấu tranh chống tiêu cực, đem lại lòng tin cho học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
“Năm nay ngành Giáo dục – Đào tạo tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi lá thư cuối cùng cho ngành Giáo dục, chúng tôi vẫn tâm niệm đây là di chúc riêng của Bác cho ngành Giáo dục. Trong thư, Bác có dặn nhiều điều, trong đó có một câu là dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt.
Nhân dịp này, chúng tôi muốn nhắn nhủ đến các thầy cô giáo và học sinh cả nước: Chúng ta nhớ lời Bác dạy và quyết tâm thực hiện thật tốt những lời Bác dạy, trước hết là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH và sau nữa là trong quá trình giảng dạy học tập tới đây” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gửi gắm.
Hiếu Nguyễn