Theo truyền thuyết, người Bajau sống ở đảo Borneo ( bang Sabah, Malaysia) có nguồn gốc từ cái chết của một nàng công chúa vô cùng xinh đẹp người Malaysia tên là Johor.
Johor bị cuốn trôi ra biển trong một trận lũ quét khủng khiếp để lại nỗi tiếc thương cho toàn thể vương triều. Nhà vua vì quá đau buồn đã lệnh cho một nhóm người ra khơi tìm kiếm và chỉ được trở về khi nào tìm được công chúa.
Cuộc tìm kiếm thất bại. Nhóm người được lệnh không thể trở về đất liền và từ đó hình thành bộ tộc du mục trên biển Bajau. Nửa thiên niên kỷ qua, họ đã quyết định lấy biển làm nhà, lấy trời làm chỗ trú ngụ.
Đa phần người Bajau là người Sunni Hồi giáo, phần lớn đều tin vào thế giới tâm linh của biển cả. Dân làng tin rằng, biển cả là ngôi nhà chung của họ.
Bộ tộc người Bajau có thể sống hàng tháng trời lênh đênh trên biển chỉ với một con xuồng dài, hẹp và cao tên là lepa - lepa.
Thức ăn của họ đơn giản là cá và chuối. Họ trộn tinh bột sắn với nước, lá khô rồi bôi lên mặt giống như một loại kem chống nắng.
Người Bajau được mệnh danh là "Người cá” vì họ là những người thợ lặn và bơi lội tài ba nhất thế giới.
Họ có thể lặn xuống đáy biển để săn cá và bạch tuộc chỉ bằng những cây giáo tự chế.
Với sự hỗ trợ của kính thợ lặn vành gỗ và không cần bình dưỡng khí, bộ tộc “Người cá” có thể vô tư lặn sâu xuống 20m dưới đáy biển trong vòng 5 phút để bắt cá, ngọc trai hay hải sâm - những tài nguyên vô cùng quý hiếm của biển cả.
Theo lời kể của người làng, những đứa trẻ Bajau được huấn luyện bơi lội từ khi còn rất nhỏ. Để tai không bị nổ trước sức ép trọng lực của nước khi bơi lội, người Bajau phải chọc thủng màng nhĩ của mình. Họ phải nằm im bất động để vết thương ở tai lành lại, sau đó họ có thể bơi lội mà không đau đớn.
"Máu chảy ra từ tai và mũi của tôi và tôi phải mất 1 tuần nằm im bất động vì chóng mặt. Nhưng sau đó tôi cảm thấy bình thường trở lại và lặn dưới đáy biển mà không bị đau đớn" - Ông Imran Lahassan sống ở Bắc Sulawesi (Indonesia) kể lại tuổi thơ của mình.
Bắt nguồn từ tập tục chọc thủng màng nhĩ ngay từ nhỏ nên tất cả những người dân trong bộ tộc đều bị nặng tai, thậm chí họ không còn khả năng nghe thấy âm thanh bên ngoài.
Với đôi tai không còn nghe được âm thanh, đôi mắt của họ lại phát huy khả năng gấp 2 lần so với người bình thường, điều này giúp họ có thể nhìn mọi vật dưới nước một cách dễ dàng.
Để có thể đánh bắt được nhiều cá hơn, cư dân Bajau Laut đã dùng bom tự chế và một chất độc hòa tan trong nước. Tuy nhiên, cách làm này đã làm biến mất nhiều rạn san hô quý và sát thương không ít người.
Một cư dân Bajau Laut đã bị mất tay và hỏng mắt khi bất cẩn trong việc chế tạo một quả bom. |
Rất nhiều người Bajau đã phải kết thúc cuộc sống du mục của mình trong tình trạng bị liệt hoặc chết đuối.
Nhiều rạn san hô bị phá hủy và trở thành rạn san hô chết vì người Bajau đã học cách sử dụng một chất độc hòa tan được trong nước của những tàu đánh cá nước ngoài để bắt được nhiều cá hơn.
Những đứa trẻ được huấn luyện bơi khá sớm. |
Hiện chính phủ Malaysia, Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) và WWF đã tạo ra những chương trình quản lý khuyến khích người dân đánh bắt hải sản một cách bền vững, khuyến khích người dân tham gia vào việc nuôi cá theo hình thức công nghiệp.
Việc này đồng nghĩa với việc bộ tộc “Người cá” Bajau chuẩn bị kết thúc cuộc sống du mục của mình để bước sang cuộc sống hiện đại.