Thách thức từ tâm dịch
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra những khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta hiện nay. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế 6 tháng cuối năm 2021. Cụ thể là triển vọng kinh tế trở nên kém lạc quan, các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa...
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định, tăng trưởng quý III của nước ta có thể sẽ thấp hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân là do chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho rằng, dù ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm vẫn tạm kết dư 81 nghìn tỷ đồng, nhưng giải ngân lại quá chậm. Thu ngân sách Nhà nước nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo. Bởi đợt dịch này vẫn diễn biến rất phức tạp.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức đang bủa vây. Dư địa của 2 chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều.
Trong khi chính sách cơ cấu gặp nhiều trở ngại để triển khai theo tiến độ dự kiến. Ngân quỹ Nhà nước bị ứ đọng không thể đưa vào nền kinh tế. Điều này được thể hiện số dư tiền gửi kho bạc tại hệ thống ngân hàng còn tồn cao, tương đương 26 tỷ USD.
Kho bạc Nhà nước vẫn trong tình trạng đạt tỷ lệ hoàn thành huy động vốn cho ngân sách năm 2021 ở mức thấp. Mặc dù điều kiện thị trường trong nước lẫn quốc tế còn thuận lợi.
Hiện, việc sản xuất trong tâm dịch cũng gặp muôn vàn khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, chủ trương “3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến” là một nỗ lực quyết liệt. Điều này đảm bảo sản xuất, hoạt động kinh doanh tiếp tục được diễn ra trong tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Phạm Trọng Nhân băn khoăn, với việc hạn chế hoạt động kinh doanh đối với địa phương vùng dịch. Địa phương này phải cách ly với địa phương khác. Từ đó dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất vô cùng khó khăn. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép như thế nào.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân đã nhấn mạnh đến những bài học rút ra của Bình Dương và Thư kêu gọi của TPHCM trong liên kết vùng hay sản xuất, kinh doanh giữa tâm dịch.
Hệ thống sản xuất các khu công nghiệp cần một sự liên kết. Điều này nhằm tạo cơ chế thuận lợi, dễ dàng hơn trong trung chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các địa phương. Từ đó, tiếp tục duy trì mạch sống của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu kép, đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị cần một cơ chế ưu tiên để lựa chọn trong điều phối, tiếp cận mọi nguồn lực. Cần nhấn mạnh vai trò của một bộ phận tham mưu giúp Chính phủ để điều phối tất cả các nguồn lực cả nước. Nhất là trong tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc.
“Nhà nước nắm giữ được dữ liệu tổng nguồn lực từ Trung ương đến địa phương sẽ điều phối kịp thời, hợp lý. Nhờ đó, không cần đến các công văn kêu gọi sự chi viện hay thư ngỏ mà các tỉnh thành đang, đã và sẽ làm” – ông Phạm Trọng Nhân nói.
Tăng chi cho các đối tượng yếu thế
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đã chỉ ra sự phân hóa rất lớn trong sự phát triển của các khu vực trong nền kinh tế.
Khu vực kinh tế đối ngoại phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, đến hơn 30% so với năm ngoái. Tuy nhiên, khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu và đây chính là vấn đề.
“Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay thì gần như dậm chân tại chỗ so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp” – đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Lộc cũng nêu rõ, xưa nay nông - lâm - ngư nghiệp luôn là khu vực tăng trưởng thấp nhất. Dịch vụ bao giờ cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ 2 khu vực này là tương đương và tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thì kém xa. Con số cho thấy chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng.
“Đây là những tín hiệu rất là đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của dịch vụ, và đó là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hàng không, nhà hàng, khách sạn, đang chết dần. Nhiều doanh nghiệp trong khu vực này sẽ không có khả năng vực dậy sau đại dịch. Vì vậy, cần phải có biện pháp để hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này.
Nêu giải pháp, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị trước hết là đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin. Đặc biệt là khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này để vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy nguồn cung.
Ông Lộc cho rằng, thời điểm này, khi doanh thu của các doanh nghiệp không nhiều thì hỗ trợ của Nhà nước sẽ có hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu. Đặc biệt là chi cho các đối tượng yếu thế để vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội.
Trước đó, theo nhiều chuyên gia, hai gói an sinh mà Bộ LĐ-TB&XH thực hiện để hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng do Covid-19 còn chậm. Việc giải ngân cần đúng đối tượng, không phô trương, hình thức và có giám sát chặt chẽ.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang được Chính phủ giao nghiên cứu gói hỗ trợ mới về thuế và phí. Gói hỗ trợ này ước khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Bộ sẽ sớm báo cáo tới Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ việc hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế với cá nhân kinh doanh đến ngày 1/1/2022. Điều này nhằm tạo thêm thuận lợi cho người nộp thuế.