Bộ sách về biển đảo: Vọng về muôn tiếng trùng khơi...

Bộ sách về biển đảo: Vọng về muôn tiếng trùng khơi...

Nổi bật Hoàng Sa - Trường Sa

Bộ sách về biển đảo được NXB Thông tin và Truyền thông thực hiện từ năm 2012 đến nay, gồm hơn 20 cuốn, trong đó viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chiếm phần nhiều. Có thể kể đến: “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam”, “Cơ sở lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch, tài liệt Việt Nam và nước ngoài”, “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Sức mạnh từ tài liệu lưu trữ”, “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1)”, “Kỷ yếu Hoàng Sa”, “Đến với Trường Sa”...

Hầu hết các cuốn sách đã hệ thống tập hợp tài liệu cũng như đi sâu khai thác, nghiên cứu tư liệu, thư tịch Việt Nam và nước ngoài về Hoàng Sa và Trường Sa. Đấy là những tài liệu lưu trữ của các triều đại phong kiến Việt Nam, nhất là các Châu bản - văn bản hành chính thời nhà Nguyễn; tài liệu lưu trữ thời Pháp thuộc, Việt Nam Cộng hòa, bản đồ cổ của phương Tây, Trung Quốc… Hoặc như những tư liệu mới sưu tầm ở các địa phương có liên quan đến việc Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã quản lý, bảo vệ và khai thác quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Qua việc tiếp tục phát hiện, sưu tầm, hệ thống hóa và công bố những tư liệu, chứng cứ, tài liệu cứ liệu này, các tác giả cùng tập trung khẳng định: Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn nhất quán và liên tục thuộc chủ quyền của Việt Nam, dù trải qua nhiều biến động lịch sử. Những người đầu tiên khai phá, đặt mốc chủ quyền hai quần đảo trên chính là những công dân Việt Nam. 

Chính vì thế, mỗi cuốn sách đều đóng góp thiết thực cho quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý của các cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu khoa học có liên quan của Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông nói chung và tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.

Chẳng thế mà khi nhận định về cuốn “Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam”, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu nhấn mạnh: “Cuốn sách này đã thêm một lần nữa ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.

Nóng hổi và... bay bổng

Từ sự kiện đặt trái phép giàn khoan Hải Dương đến yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc... đều hiện diện nóng hổi trong những cuốn sách thuộc bộ sách về biển đảo của NXB Thông tin và Truyền thông. Đấy là nhóm tác giả GS.TS Trần Ngọc Vương (chủ biên) - TS Trần Công Trục - TS Đinh Hoàng Thắng đã biên soạn cuốn “Sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm biển Đông”. 

Cuốn sách gồm 3 phần: “Lộ trình hiện thực hóa tham vọng của Trung Quốc độc chiếm biển Đông”; “Cơ sở lịch sử - pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vi phạm của Trung Quốc nhìn từ luật pháp quốc tế” và “Quan điểm của Việt Nam và dư luận thế giới trước tham vọng của Trung Quốc độc chiếm biển Đông”. Điều thú vị là cuốn sách được biên soạn dưới hình thức vấn đáp, gồm các câu hỏi và câu trả lời dựa trên các công trình nghiên cứu khả tín của nhiều học giả trong nước và quốc tế, kể cả của chính các tác giả…

Nối tiếp là những cuốn: “Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc và chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông” (PGS.TS Nguyễn Bá Diến chủ biên), “Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp biển Đông - Các sự kiện và phân tích pháp lý” (TS Trần Công Trục chủ biên)... Những cuốn sách này cùng đưa ra những căn cứ khoa học phản bác sự phi lý, phi pháp và phản khoa học của yêu sách “đường lưỡi bò”, đồng thời khẳng định chủ quyền lịch sử lâu đời của Việt Nam trên biển Đông cũng như đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, những câu hỏi đáp nóng hổi về các vấn đề liên quan đến biển đảo được hiển hiện trong hai cuốn “100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” và “Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1)”. Hai cuốn sách đã và đang trở thành nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp lớp trẻ Việt Nam hôm nay sẽ tích cực góp phần thúc đẩy những hành động thiết thực trong cộng đồng vì biển, đảo quê hương.

Không chỉ nóng hổi các vấn đề thời sự, bộ sách về biển đảo còn có những cuốn sách rất đỗi bay bổng, nên thơ. “Nơi đây gió lộng bốn bề/ Hất tung chậu cảnh vừa kê trước thềm/ Lạnh lùng là gió nửa đêm/ Nóng ran ngọn gió ngang triền đảo trưa…” - đấy là những câu thơ trong bài thơ “Gió cát Trường Sa” được in trong tập “Thơ biển, đảo và tình yêu người lính” của Đại tá, nhà báo, nhà văn Bùi Văn Bồng. 

Cùng với đó, cuốn sách ảnh song ngữ Việt – Anh “Đến với Trường Sa” tập hợp hơn 500 bức ảnh mới nhất về Trường Sa do nhiếp ảnh gia Đoàn Bắc và nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ thực hiện. Như bao trang sách vọng về muôn tiếng trùng khơi, những trang sách ấy đã khiến độc giả không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mới lạ, sống động nơi đầu sóng ngọn gió như Trường Sa...

Mới đây, phiên bản tiếng Việt của cuốn Atlas “Bản đồ” của Aleksandra Mizielińska và Daniel Mizieliński được giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Ngoài sự hấp dẫn của một “siêu phẩm” có đến 3 triệu bản in và xuất bản tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, “Bản đồ” bản tiếng Việt là ấn bản duy nhất có bản đồ Việt Nam. Đặc biệt, tấm bản đồ này đã không chỉ kể rành rẽ các câu chuyện văn hóa, phong tục của dải đất hình chữ S, mà còn thể hiện rõ chủ quyền biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.