“Cánh Diều” là bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên, hiện thực hóa và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có yêu cầu “thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo kho; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.
Sự ra đời của bộ sách đã bước đầu tạo ra một cuộc cạnh tranh về chất lượng sách giáo khoa cả về nội dung và hình thức.
Ba đơn vị tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa này là Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam mong muốn cung cấp cho xã hội một bộ sách giáo khoa có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện dạy và học ở Việt Nam về nhiều phương diện.
“Cánh diều” là bộ sách duy nhất hiện nay có đầy đủ sách giáo khoa dành cho tất cả các môn học (Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo đức 1, Âm nhạc 1, Mỹ thuật 1, Giáo dục thể chất 1) và hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1) của lớp 1 theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, 100% bản mẫu của bộ sách được các Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu đồng thuận (Đạt) tuyệt đối.
Cơ sở biên soạn bộ sách được dựa theo chủ trương “thực học, thực nghiệp” với mục tiêu xuyên suốt, thống nhất “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”. Bộ sách quy tụ được hầu hết chuyên gia Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chỉ tính riêng bộ sách giáo khoa lớp 1 - bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” đã quy tụ được 6/8 chuyên gia là Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên Chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới làm Tổng Chủ biên, Chủ biên sách giáo khoa lớp 1. Đồng thời, còn có nhiều tác giả Chương trình môn học và các tác giả khác có uy tín, kinh nghiệm tham gia biên soạn.
Điều này có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng biên soạn sách giáo khoa vì bản thân mỗi tác giả đều đã thấm nhuần nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới và hiện thực hóa, cụ thể hóa những yêu cầu cần đạt của chương trình trong từng bài học
Dựa trên quan điểm: "Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống", bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” được biên soạn với kỳ vọng sẽ giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất theo các yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 – trao đổi rõ hơn về những phẩm chất, năng lực sẽ được đưa vào bộ sách:
“Chúng ta nên đặt câu hỏi rằng, học xong chương trình này thì học sinh có thể làm được gì. Chúng tôi đã cố gắng để thể hiện trung thành mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 tập trung phát triển các năng lực đặc thù, chủ yếu là năng lực ngôn ngữ, và phát triển cố định những kỹ năng đọc – viết – nói – nghe.
Thứ hai là phát triển các năng lực chung, bao gồm năng lực tự chủ, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Và cuối cùng, tất cả các môn đều góp phần phát triển năm phẩm chất chủ yếu của học sinh, bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.”
Để có thể soạn thảo được một bộ sách giáo khoa đáp ứng được những yêu cầu đó, nhóm biên soạn đã đến các trường thực nghiệm để dự giờ tất cả giờ dạy, đơn cử như môn tiếng Việt là 420 tiết/năm để lắng nghe phản ánh từ giáo viên, ghi chép phản ứng của học sinh. Chính những góp ý của giáo viên và khó khăn của học sinh là những yếu tố quan trọng để góp phần hoàn thiện bộ sách này.
“Trong quá trình thực nghiệm, tôi luôn nói với các thầy cô dạy thực nghiệm rằng ‘Các thầy cô là thầy của tôi đấy, chính các thầy cô là người dạy cho tôi là cần phải viết thế nào’.”
GS.TSKH Đỗ Đức Thái chia sẻ. “Bộ sách này không phải được viết từ năm 2016 hay 2017, nó được viết lần đầu tiên vào năm 2015, và được thực nghiệm rất nhiều lần. Chúng tôi rất tự tin rằng mình đã viết ra được một quyển sách giáo khoa với tất cả tâm huyết của mình, và chắc chắn, nó sẽ góp phần thực hiện đúng mục tiêu mà chương trình môn Toán mới mong muốn.”