Nguyên nhân cũng vì, ở câu chuyện tình yêu rất đỗi đơn giản, bình thường của “Happy old year”, đâu phải ai cũng thấy được sâu trong đó là câu chuyện của sự lựa chọn luôn khiến con tim mỗi người nhức nhối: “Có thể buông tay... quá khứ?”.
Bỏ về vì... tẻ ngắt?
Nếu để tóm tắt phim “Happy old year” (tạm dịch: “Tháng năm hạnh phúc ta từng có”) của đạo diễn Nawapol Thamrongrattanarit (Thái Lan) có lẽ chỉ cần gói gọn trong một câu là đủ: Từ Thụy Điển trở về, Jean – một nữ thiết kế cương quyết vứt bỏ đồ cũ và cải tạo thành công ngôi nhà của gia đình theo phong cách tối giản mà cô mong muốn.
100 phút của “Happy old year” chỉ xoay quanh sự việc ấy và được diễn ra gần như ở một không gian: Ngôi nhà của gia đình Jean. Gam màu của phim không có gì nổi bật khi chỉ gần như đổi qua, đổi lại của những màu xám và trắng.
Thêm nữa, mạch phim yên ả, không có kịch tính của bi kịch, không có bước ngoặt của kinh dị hay hành động. Các nhân vật có những hoạt động trễ nải, lặp lại cùng lời thoại chậm rãi, đều đều... Đã thế, phần đầu của phim còn bị “cắt khúc” khi chia ra các bước chú dẫn làm thế nào để dọn sạch đồ cũ trong nhà một cách nhanh nhất mà không phải luyến tiếc, không phải ngó lại.
Cách “cắt khúc” chú dẫn ấy càng khiến cho mạch phim vốn đã có phần buồn tẻ lại càng trở nên rời rạc, nhiều khi khiến khán giả có cảm giác như đang xem một clip chia sẻ kinh nghiệm dọn nhà từ Jean nhiều hơn là thưởng thức một bộ phim điện ảnh.
Với ngần ấy bằng chứng thì bất kỳ khán giả nào cũng có thể đánh giá “Happy old year” thực sự là một bộ phim... “tẻ ngắt”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tại buổi chiếu đầu tiên của “Happy old year” ở Beta Cineplex Mỹ Đình đã khiến khá đông khán giả thế hệ 9X, 2K không thể kiên nhẫn xem hết nên đã rời rạp khi phim mới chiếu được một phần ba. “Đúng là phim Thái, kể lể lê thê, mãi mà chẳng... đổi màu” – Sau những ngáp ngắn, ngáp dài, một khán giả quyết định rời buổi xem phim giữa chừng đã than như thế.
Có thể buông tay... quá khứ?
Phòng chiếu phim bật sáng, nhiều khán giả vẫn ngồi đó để nghe nốt những giai âm cuối cùng của “Happy old year”. Thật mệt nhoài và trĩu nặng với câu chuyện của Jean chứ đâu có tẻ ngắt, nhạt nhòa?
Chỉ có thể nhận ra điều đó khi biết rằng “Happy old year” không ồn ã, giật gân nên cần những tâm hồn đồng điệu để chậm rãi thưởng thức rồi ngẫm ngợi cùng... Jean: Lựa chọn thế nào với những đồ đã cũ: Giữ lại hay bỏ đi?
Tất nhiên, với cả một kế hoạch thay đổi thiết kế cho ngôi nhà của mình, Jean ra sức thuyết phục và cương quyết quẳng tất cả những tờ tạp chí, cuốn sổ, điện thoại, cọc đĩa CD, gấu bông, máy ảnh... vào túi rác màu đen để quăng đi.
Cây đàn piano ở phòng khách cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, chính Jean đã liên tiếp vấp vào những ký ức từ những đồ xưa cũ. Ký ức về bạn bè là những món quà tặng năm mới, sinh nhật, hay đồ dùng cho một kỳ nghỉ vui vẻ...
Ký ức về tình yêu lưu giữ mãi trong máy ảnh, chiếc áo, cây bon sai... hay món ăn được Aim (người yêu cũ của Jean) gợi nhắc là chỉ Jean mới có thể nấu ngon nhất. Ký ức về tổ ấm gia đình được đọng lại nơi cây đàn piano cùng tấm hình chụp khoảnh khắc Jean hát, bố đàn, anh trai và mẹ nhảy múa... mừng sinh nhật.
Điều đáng nói ở đây là đạo diễn đã không hề dành giây phút nào để tái hiện những ký ức ấy mà vẫn khiến chúng cuồn cuộn chảy về trong suy tưởng của Jean, buộc cô phải làm những việc ngoài kế hoạch.
Cô mất thời gian để kiếm tìm hình ảnh, trả lại những món quà cũ cho bạn cũ. Cô “lỡ làng” bước tới nhà Aim để nói lời xin lỗi vì đã xa anh mà không nói lời nào. Cô miễn cưỡng nhấc điện thoại gọi cho người bố đã rời bỏ ba mẹ con bao năm để xin ý kiến bán cây đàn piano. Cứ thế, cứ thế, biết bao mất mát trong lòng Jean được hé mở.
Rõ ràng, bên ngoài vỏ bọc của lối sống ích kỷ, thực dụng chỉ bước về phía trước thì trong lòng Jean luôn là những ngổn ngang trăm mối dăng mắc nên đâu dễ gì mà buông tay... quá khứ.
Quá khứ có khi là những niềm hạnh phúc khi cô có người đàn ông yêu và luôn gìn giữ tất cả ký ức của mình. Quá khứ có khi là nỗi đau hằn sâu trong tổ ấm chỉ còn lại ba người: Jean lạnh lùng, anh trai ba phải và người mẹ che giấu nỗi nhớ chồng bằng việc hát karaoke. Khi đó, hình ảnh người cha dù không một lần xuất hiện nhưng thật ám ảnh, khó chịu.
Không chỉ “tra tấn” khán giả bằng một câu chuyện cần “vận nội công” để mà thưởng thức như thế, “Happy old year” còn “quá đáng” khi khép lại bằng một thực tế... phũ phàng.
Tình yêu Jean – Aim tan dần là chuyện đã đành. Ấy thế mà trong lúc tan dần ấy, ta lại gặp một Aim không còn ấm áp mà cũng lạnh lùng, học cách buông bỏ quá khứ để bước tiếp. Với cây đàn piano, tấm hình gia đình cũng vậy, niềm hy vọng ít ỏi cũng chẳng thể được giữ lại. Bán – xé vụn – hủy kết bạn để Jean cũng bước tiếp... Phũ phàng là thế nhưng rõ ràng “Happy old year” không sai!
“Happy old year” của đạo diễn Nawapol Thamrongrattanarit được giới chuyên môn đánh là bộ phim hay khi chất chứa rất nhiều vấn đề gần gũi với giới trẻ hôm nay.
Bộ phim cũng có cách kể chuyện thông minh cùng diễn xuất đầy tinh tế, cảm xúc của các diễn viên, nhất là nữ diễn viên Chutimon Chuengcharoensukying vào vai Jean. Thế nhưng, tiếc là sau 4 ngày công chiếu với 2 - 3 suất chiếu mỗi ngày tại một số điểm rạp, “Happy old year” mới thu về hơn 1,3 tỷ đồng (theo trang Box Office Việt Nam).