"Bố ơi, bế cháu!"

GD&TĐ - Vợ chồng cô Lanh đều là nhà giáo. Đứa con lớn chỉ được ở với mẹ đến năm 3 tuổi. Bố con xa nhau từ bé. Cháu ở nhà với ông, bà và chú. Có lần bố về, không biết xưng hô thế nào nên cháu nói: “Bố ơi, bế cháu!”

Cô Lanh trong một buổi trải nghiệm cùng học sinh.
Cô Lanh trong một buổi trải nghiệm cùng học sinh.

Gọi bố, xưng cháu...

Gần 20 năm gắn bó với nghề giáo dù công tác ở đâu, trên cương vị nào, cô Bùi Thị Lanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã (Sơn La) vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người.

Cô Lanh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hòa Bình. Có lẽ, do có duyên số với mảnh đất Sơn La, nên năm 2006 cô đã quyết định bỏ dở công việc ở Hòa Bình để lên miền núi Sơn La gieo chữ. Cô nhận công tác ở xã vùng cao Bó Sinh (huyện Sông Mã).

Cô Lanh kể, năm 2003, cô và thầy Đinh Huy Cảnh đã nên duyên vợ chồng. Kết hôn chưa lâu, thầy Cảnh đã tình nguyện xin về Trường THCS xã Bó Sinh công tác. Còn cô Lanh tiếp tục làm giáo viên hợp đồng tại một trường mầm non ở Hòa Bình.

Tuy vậy, cảnh vợ chồng xa nhau, mỗi người một nơi, cô Lanh một mình vừa xoay xở với công việc của trường, vừa lo toan, chăm sóc gia đình. Năm 2006, xã Bó Sinh đang tuyển giáo viên mầm non. Sau khi bàn bạc với chồng, cô Lanh đã quyết định xin lên vùng cao để vợ chồng “rau cháo” có nhau. Dù không muốn xa con nhưng cô Lanh vẫn “nuốt lệ” nhờ ông bà nội trông con giúp để ngược ngàn.

“Chồng tôi xin tình nguyện đi dạy ở xã Bó Sinh được 3 năm. Tôi ở nhà công việc vẫn chưa ổn định. Dù gần nhà thật nhưng vợ chồng xa nhau mãi cũng không ổn. Ngay khi biết trường mầm non ở đây cũng đang thiếu giáo viên nên tôi quyết định đi luôn. Dù biết là khó khăn vất vả, tuy gần chồng nhưng phải xa con. Vì công việc thì mình phải cố gắng thôi chứ cũng chẳng biết làm sao”, cô Lanh tâm sự.

Qua tìm hiểu, cô Lanh sớm hình dung ra khó khăn, vất vả khi ở Bó Sinh. Song, đến nơi thì không điện – đường – trường – trạm, chính cô cũng không khỏi bất ngờ. Cô đối diện với những con đường mòn lầy lội, nhà cửa thưa thớt lụp xụp ấy. Mọi thứ khác hoàn toàn so với nơi cô sinh ra và lớn lên.

“Dù đã nghe chồng kể, nhưng lần đầu tiên đến trường tôi bất ngờ lắm. Từ trung tâm huyện vào đến trung tâm xã cũng phải 50 km. Đấy là chưa kể từ xã đi đến các điểm bản lẻ. Hầu hết là đường mòn, 2 xe máy tránh nhau còn khó. Cứ vài cây số mới có một nhà dân. Lớp học thì hầu hết làm bằng tre, nứa, trát đất. Nếu có lớp học gỗ là tốt lắm rồi. Khi ấy, may tôi có chồng hỗ trợ chứ nhiều cô giáo trẻ vào một mình thấy đường đi thôi đã bật khóc rồi”, cô Lanh nhớ lại.

Dù bây giờ các con đã lớn, được ở cùng bố mẹ, nhưng cô Lanh không bao giờ quên thời gian xa cách. Khi ấy, một năm vợ chồng cô chỉ được gặp con 3 lần, đó là vào dịp Tết, nghỉ hè và đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Mỗi lần ấy, khi chia tay, mấy người họ lại bùi ngùi, không nỡ bước đi.

“Đứa con lớn thì chỉ được ở với mẹ đến năm 3 tuổi. Bố con thì xa nhau từ bé. Cháu chỉ ở nhà với ông, bà và chú. Có lần bố về, không biết xưng hô thế nào nên cháu nói: “Bố ơi, bế cháu!”. Mỗi lần nghe như vậy, lòng đau quặn nhưng chẳng biết làm sao. Nếu biết hôm sau bố, mẹ mà đi lên trường thì cháu cứ nằm quay vào tường, ôm mặt khóc thâu đêm. Cháu nhất quyết không dậy chào bố mẹ. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy nghẹn lòng”, cô Lanh tâm sự.

Nhớ lại mỗi lần con nói: “Bố ơi, bế cháu!”, cô Lanh lại đau quặn.
Nhớ lại mỗi lần con nói: “Bố ơi, bế cháu!”, cô Lanh lại đau quặn.

Một thập kỉ với Bó Sinh

Cô Lanh tâm sự, với một giáo viên miền xuôi lên núi, cái khó khăn nhất là rào cản ngôn ngữ. Xã Bó Sinh có nhiều dân tộc khác nhau. Có bản là người Xinh Mun, lại có bản của người Thái. Mỗi dân tộc lại có một tiếng nói khác nhau. Nhiều người dân chưa biết hết tiếng phổ thông nên việc trao đổi thông tin với phụ huynh rất vất vả.

Mỗi tối, cô Lanh và thầy Cảnh lại dành thời gian cùng nhau học tiếng dân tộc. Người biết nhiều dạy cho người biết ít. Đôi khi cô hỏi tiếng Thái từ chính học sinh. Nếu những từ nào cô đã biết, cô sẽ nói bằng tiếng dân tộc, trẻ trả lời bằng tiếng phổ thông. Còn nếu cô nói bằng tiếng phổ thông thì trẻ nói bằng tiếng Thái. Qua những lần như vậy, cô trò hiểu nhau hơn, mỗi lần dạy học trẻ cũng hiểu bài hơn.

“Khi tôi giao tiếp bằng tiếng dân tộc, phụ huynh thích hơn rất nhiều. Có lúc mình không biết từ ấy như thế nào thì lại nói bằng tiếng phổ thông, mọi người cũng thông cảm. Tôi cũng muốn giao tiếp bằng tiếng dân tộc, khi nói lại thấy mình giống người địa phương luôn, gắn bó thân thiết với bà con”, cô Lanh vui vẻ nói.

Theo cô Lanh, học sinh ở đây trên 90% là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tăng cường giao tiếp bằng tiếng phổ thông rất quan trọng. Chính vì vậy, cô thường xuyên khuyến khích phụ huynh, học sinh ở nhà nên giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Từ đó giúp trẻ hình thành thói quen nói tiếng Việt và tự nâng cao vốn từ ngữ cho mình.

Nếu ở miền xuôi, phụ huynh tự cho con đến trường, ở miền núi thì ngược lại. Giáo viên phải đến từng nhà vận động học sinh vì họ không có thói quen đưa con đến trường. Do đó, thời gian đầu năm học và sau nghỉ Tết cô lại phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp học chữ.

“Chiêu sinh thường vào mùa mưa, lũ. Nhiều hôm thấy đường bùn lầy lội nhưng tôi vẫn phải cố gắng đi vào đến từng nhà học sinh. Lúc ấy điện thoại không có, chẳng biết phụ huynh họ ở nhà hay không. Nhưng các thầy, cô vẫn chủ động đi, không đến được nhà này thì đến nhà khác. Giáo viên của điểm lẻ ấy cũng hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng vận động học sinh ra lớp. Dù mệt nhưng khi phụ huynh đồng ý cho con đến trường thì chúng tôi vui lắm”, cô Lanh kể lại.

Đối với học sinh, cô Lanh luôn hỗ trợ các em hết mình. Trong công việc, cô luôn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ đồng nghiệp. Đến năm 2014 cô được bổ nhiệm và giữ chức Phó Hiệu trưởng. Đây được xem như là “trái ngọt” sau nhiều năm cô gắn bó với Bó Sinh.

“Đến năm 2016, tôi được điều chuyển đến Trường Mầm non Ánh Dương, xã Nà Nghịu. Đây cũng là xã khó khăn của huyện nhưng đã gần nhà hơn, giao thông đi lại cũng thuận tiện. Dù đã chuyển đơn vị công tác được 4 năm nhưng mỗi khi trở về Bó Sinh, phụ huynh vẫn nhận ra tôi. Họ vẫn mời vào nhà nói chuyện vui vẻ lắm. Gần 10 năm gắn bó với mảnh đất này, có nhiều tình cảm với bà con lắm. Tuy vậy, tôi nghĩ dù công tác ở đâu mình cũng phải cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt công việc”, cô Lanh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ