Người lính trở về gắn bó với nghề giáo

GD&TĐ - Hai người lính sau khi rời quân ngũ đã quyết tâm thi vào ngành sư phạm để trở thành nhà giáo.

Thầy Lê Văn Sáng và học trò của mình.
Thầy Lê Văn Sáng và học trò của mình.

Giờ đây, một thầy đã có 27 năm công tác và một người gắn bó với nghiệp “trồng người” ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) gần 24 năm.

Chọn nghề giáo sau khi rời nghiệp binh

Hai nhà giáo chúng tôi muốn nhắc đến là thầy Nguyễn Đăng Long (47 tuổi), đang công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh và thầy Lê Văn Sáng (55 tuổi), công tác tại Trường THCS Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa).

Thầy Long sinh ra và lớn lên ở xã Thọ Tân (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Sau khi tốt nghiệp THPT, tháng 2/1993, chàng trai Nguyễn Đăng Long nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 375 Phòng không, đóng tại Đà Nẵng. Tháng 2/1995, binh nhất Nguyễn Đăng Long được xuất ngũ.

Khi về địa phương, Nguyễn Đăng Long nhận thấy nhiều em nhỏ vừa thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả học hành..., nên anh quyết tâm thi vào ngành sư phạm, với mong ước sẽ đem chữ về truyền thụ cho các em.

Dù đã “buông sách” khá lâu, kiến thức không còn nhiều, song Nguyễn Đăng Long không hề nản chí, vẫn quyết tâm mượn sách về tự ôn tập.

Sau một thời gian tự ôn tập, tháng 8/1996, Nguyễn Đăng Long trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Đến tháng 9/1998, giáo sinh Nguyễn Đăng Long được phân công lên nhận công tác ở Trường THCS Tam Văn, huyện Lang Chánh.

Còn thầy Lê Văn Sáng (sinh năm 1966), cũng trở thành nhà giáo sau khi rời quân ngũ, nhưng lại có hoàn cảnh khác với thầy Long.

Chia sẻ về quá trình trở thành nhà giáo của mình, thầy Sáng kể: “Năm 1983, huyện Lang Chánh chưa có trường cấp III. Vì thế, chúng tôi muốn đi học phải xuống huyện Ngọc Lặc. Trong khi gia đình tôi lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bố mẹ quanh năm lam lũ với ruộng nương, nên không có điều kiện cho tôi học hành. Vì thế, tôi quyết định xin gia nhập quân đội, hy vọng sẽ thay đổi được cuộc sống vất vả của mình và mở mang tầm hiểu biết”.

Tháng 3/1983, thầy Sáng nhập ngũ và đến tháng 3/1986, phục viên về địa phương.

“Khi trở về địa phương, vẫn là cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Vì thế, tháng 9/1987, tôi tiếp tục đi học cấp III, hệ Bổ túc văn hóa. Tháng 6/1990, sau khi tốt nghiệp, tôi quyết tâm thi vào Khoa Toán – Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Tháng 9/1994, sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về dạy ở Trường cấp I-II Tam Văn. Năm 1997, tôi chuyển về công tác tại Trường THCS Đồng Lương, rồi sau đó (năm 2012), tôi tiếp tục học lên hệ đại học và công tác đến bây giờ”, thầy Sáng chia sẻ.

Thầy Long trên bục giảng trong giờ dạy môn Toán.
Thầy Long trên bục giảng trong giờ dạy môn Toán.

Vượt khó nhờ cốt cách của người lính

Khi được điều động lên công tác ở vùng núi cao, xa, đặc biệt khó khăn, thầy Nguyễn Đăng Long và Lê Văn Sáng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, để mang tri thức đến truyền thụ cho lớp lớp học sinh. Dường như, cả thầy Long và thầy Sáng đều thấm nhuần được khí chất và cốt cách của người lính, nên dù khó khăn, vất vả trong cuộc sống cũng như trong công tác, các thầy đều vượt qua.

Sau 4 năm công tác, đến tháng 9/2002, thầy Nguyễn Đăng Long được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tam Văn. Hai năm sau đó, thầy Long được điều động về làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trí Nang, Lang Chánh. Đến năm 2007, được bổ nhiệm Quyền Hiệu trưởng Trường THCS Trí Nang và 2 năm sau, (2009), thầy Long chính thức giữ chức Hiệu trưởng nhà trường.

Sau 5 năm công tác ở Trường THCS Trí Nang, thầy Nguyễn Đăng Long được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THCS Giao An (Lang Chánh). Từ tháng 9/2016 đến nay, thầy Long được điều động biệt phái lên công tác tại Phòng GD&ĐT huyện, mỗi tuần thầy vẫn lên lớp một ngày.

Thầy Lê Văn Sáng bộc bạch: “Khi trở thành giáo viên đứng lớp dạy môn Toán – Lý cho học sinh, tôi luôn trăn trở: Cuộc sống của bà con ở huyện vùng núi này vốn dĩ đã vất vả, thiệt thòi hơn so với nơi khác. Nếu mình không chịu khó vượt qua những gian nan, thì làm sao “kéo” được học sinh đến trường? Những lúc rảnh rỗi, tôi thường kể chuyện về năm tháng trong quân ngũ cho học sinh nghe, để truyền cảm hứng cho các em phấn đấu học tập”, thầy Sáng tâm sự.

Nhận xét về thầy Long và thầy Sáng, ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh - nói: Thầy Nguyễn Đăng Long và Lê Văn Sáng là những nhà giáo hết lòng vì học sinh.

“Từ khi còn là giáo viên rồi được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm lên làm quản lý, thầy Long luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hết lòng thương yêu các lớp học trò của mình. Tạo nên sự nghiêm khắc trong cách giáo dục học sinh, nhưng cũng đầy tình thương và trách nhiệm. Thầy Lê Văn Sáng cũng vậy, luôn tạo được nền nếp, giờ giấc cho học sinh biết sắp xếp một cách khoa học trong thời gian biểu. Chính cốt cách của người lính ở các thầy, mà đồng nghiệp luôn trân quý, học sinh luôn kính trọng dù ở môi trường học tập nào”, ông Thư chia sẻ.

“Thời điểm lên nhận công tác ở Trường THCS Tam Văn, thật lòng, có những lúc tôi cảm thấy nản. Bởi lẽ, điều kiện cuộc sống vô cùng khó khăn. Đường đi, lối lại chỉ có thể đi bộ từ thị trấn (cách hơn chục km) lên trường mà thôi. Tất cả mọi thứ đều thiếu thốn, nên thầy lẫn trò đều vất vả. Cũng may, dù cuộc sống khó khăn, nhưng học sinh rất chăm ngoan, chuyên cần đến lớp và luôn nghe lời thầy, cô giáo. Đó chính là động lực lớn nhất của tôi lúc bấy giờ, để vượt qua khó khăn, gian khổ. Phải quyết tâm không để cho học sinh và bà con dân bản mất đi niềm tin đối với thầy, cô giáo”, thầy Long tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ