Bỏ ngỏ lời hứa vắc-xin

GD&TĐ - Covax, sáng kiến chia sẻ vắc-xin mở rộng để phân bổ vắc-xin Covid-19 cho các quốc gia thu nhập thấp, trung bình, từng cam kết trao hơn 2 tỷ liều vắc-xin trên toàn thế giới vào cuối năm 2021.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng khi năm cũ sắp qua, chương trình chưa đạt được một nửa mục tiêu đặt ra.

Sáng kiến do Liên Hợp Quốc đứng đầu đang chạy đua với thời gian để cung cấp 800 triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay. Covax đã hạ mục tiêu từ 2 tỷ xuống 800 triệu đến 1 tỷ liều sau khi liên tiếp đối mặt với hàng loạt trở ngại về nguồn cung và phân phối.

Nhiều đơn đặt hàng của Covax đã bị trì hoãn trong đầu năm 2021. Sáng kiến Covax ngày càng phải dựa vào nguồn tài trợ từ Mỹ và các nước phát triển khác để có thể phân phối đến các nước thu nhập thấp. Dù vậy, chính quyền các nước cam kết tài trợ cũng cho rằng nguồn cung phải chờ đến năm sau. Do đó, Covax không thể dự đoán chắc chắn bao nhiêu liều vắc-xin có thể được phân phối trước thềm năm mới.

Để đạt mốc 800 triệu liều trước cuối năm nay, Covax cần phải cung cấp hơn 200 triệu liều trong tháng 12, nhiều hơn bất kỳ mức phân phối nào trong thời gian vừa qua. Mục tiêu này là khó có thể thực hiện, dù tỷ lệ phân phối vắc-xin đã tăng đều đặn kể từ tháng 9, bất chấp kỷ lục của Covax đã trao hơn 150 triệu liều vào tháng 11.

Kết quả này được coi là bằng chứng cho thấy, Covax đã không đáp ứng được những kỳ vọng của thế giới và mục tiêu bản thân nó đặt ra trong những ngày đầu dịch Covid-19. Một số người chỉ trích rằng, Covax không đạt được mục tiêu của mình thì không thể nói đến việc tiêm chủng cho thế giới. Thất bại này phản ánh khoảng cách giữa luận điệu và thực tế tiếp cận vắc-xin trên toàn cầu.

Covax phải vật lộn với các vấn đề về nguồn cung kể từ khi thành lập. Sáng kiến này đã tìm cách tập hợp các nguồn lực để đặt hàng vắc-xin nhằm bảo đảm những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đều được tiếp cận thuốc. Với lời kêu gọi này, gần 200 quốc gia đã đăng ký trở thành thành viên của Covax và huy động được hàng tỷ USD tài trợ.

Nhưng trong khi nhiều nước giàu ủng hộ Covax, họ vẫn đặt hàng trước với các nhà sản xuất vắc-xin trước khi Covax huy động đủ số tiền để làm điều tương tự. Điều đó đẩy Covax vào danh sách chờ. Tiếp đó, Ấn Độ, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, phải tạm dừng xuất khẩu do làn sóng Covid-19 bùng phát trên cả nước, khiến nguồn cung trên toàn thế giới trở nên khan hiếm.

Ước tính, trung bình các quốc gia thu nhập thấp chỉ tiêm được hơn 60 triệu liều cho đến nay. Một phần nhỏ trong số họ đã tiêm liều thứ 2 trái ngược với độ phủ sóng vắc-xin tại các quốc gia thu nhập cao.

Vấn đề nguồn cung cho Covax đã được giảm nhẹ nhờ việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu từ tháng 11. Song các chuyên gia nhận định vẫn còn những thách thức lớn trong việc vận chuyển và quản lý vắc-xin ở một số quốc gia. Bên cạnh đó, những liều được chia sẻ thường gắn liền với một số vấn đề về sức khoẻ, trong đó thời hạn sử dụng ngắn hơn.

Khi những vấn đề hiện nay chưa thể giải quyết triệt để, thế giới tiếp tục phải đối mặt với biến thể Omicron, bùng phát nhanh tại châu Phi. Các nước sẽ tiếp tục chạy đua dự trữ vắc-xin khiến nguồn cung thêm khó khăn, đẩy Covax tới nhiều thách thức mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ