Công nghệ nghe có vẻ như chỉ tồn tại trong phim viễn tưởng này lại đang được các nhà khoa học dần biến thành sự thực.
Kích thích não bộ là một khái niệm hoàn toàn có thực, nhưng công nghệ để làm điều này vẫn chưa được giới khoa học kiểm chứng.
Trải qua hàng thập kỷ, với rất nhiều thí nghiệm, giờ các chuyên gia của Thung lũng Silicon đang hy vọng họ có thể đưa công nghệ này vào trong một thiết bị đeo trên người hợp thời trang để tung ra thị trường. Nhưng liệu việc đưa những thiết bị này từ phòng thí nghiệm tới các kệ hàng của siêu thị có khả thi?
Công ty gần đây nhất có ý định tạo ra một sản phẩm như vậy là Thync, một start-up được thành lập bởi doanh nhân Isy Goldwasser và nhà thần kinh học Jamie Tyler.
Thync đã và đang bí mật nghiên cứu thiết bị kích thích não bộ này trong ba năm qua. Nó giống như một chiếc tai nghe với ba chức năng: nạp năng lượng cho não, giúp người dùng thư giãn và tăng sự tập trung. "Một vài người sẽ thấy nó giống như một cốc cà phê buổi sáng, số khác lại cảm thấy giống như có được một giấc ngủ trưa vậy" – Goldwasser cho hay.
Một trong những công nghệ nền tảng được Thync sử dụng là "Kích thích Dòng điện Trực tiếp qua Hộp sọ" (hay tDCS) – sử dụng những dòng điện yếu để thay đổi độ nhạy của các nơ ron trong não.
Nơ ron là những tế bào cấu thành nên não bộ, hoạt động bằng cách trao đổi các tín hiệu điện từ với nhau, từ đó tạo ra những chất hóa học có ảnh hưởng tới suy nghĩ hoặc tâm trạng của con người. Vì vậy, khi nhắm đúng mục tiêu, dòng tDCS có thể tạo ra những thay đổi trong cách thức hoạt động của bộ não.
Với khả năng thay thế mọi phương pháp trị liệu hiện nay như yoga hay thuốc chữa bệnh tâm thần, thị trường thiết bị kích thích não bộ được cho là có rất nhiều tiềm năng. Quân đội Hoa Kỳ thậm chí đã tiến hành thử nghiệm với thiết bị này nhằm mục đích cải thiện khả năng của các phi công.
"Những khách hàng sẽ mua thiết bị này là những người có một cuộc sống bận rộn và thực sự cần những công cụ khác thay thế cho hóa chất, thuốc hoặc rượu" – Goldwasser nói – "Họ muốn một cách thức khác để cải thiện trạng thái tinh thần của mình".
Tuy nhiên, cho dù đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành, thì hiện vẫn chưa rõ liệu công nghệ này có tác dụng thực sự hay không. "Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều đồng ý rằng vẫn chưa rõ liệu tDCS có tác dụng điều trị hay nâng cao nhận thức hay không" – theo Charan Ranganath, giáo sư tại Trung tâm Thần kinh học của Đại học California.
Những nghiên cứu về tính hiệu quả của tDCS hiện được coi là mới đang ở giai đoạn khởi đầu, và vẫn còn có những nghi ngờ trong cộng đồng khoa học về các kết quả đã thu được.
"Một số nghiên cứu đã được công bố chỉ có một số lượng nhỏ mẫu thí nghiệm…, và các nhà nghiên cứu đó thường sử dụng những phương thức đo đạc kỳ lạ, khó có thể giải thích được" – theo giáo sư Ranganath. Bên cạnh đó, đang có những nghi ngờ rằng chỉ những nghiên cứu có kết quả tích cực mới được công bố, trong khi những thử nghiệm cho kết quả tiêu cực lại bị lờ đi.
Ngoài ra, cho dù tDCS thực sự có hiệu quả, thì việc thu được kết quả giống nhau ở những cá nhân khác nhau là rất khó, kể cả trong những nghiên cứu được tiến hành ở phòng thí nghiệm, nơi mà những thiết bị kích thích não bộ được cài đặt và điều khiển bởi những chuyên gia.
Để làm cho tDCS hoạt động, các xung điện sẽ phải đánh trúng những khu vực nhất định trong bộ não, mà những điểm đó lại nằm ở vị trí khác nhau tùy người. Và nếu như tác động chệch chỉ một chút thôi, thì kết quả thu được cũng sẽ khác hoàn toàn.
Hơn nữa, hãy cứ giả sử như các xung điện có thể đánh trúng đích 100%, thì chúng ta vẫn không thể chắc chắn rằng những tín hiệu này sẽ tác động lên mỗi người theo một cách cố định.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản: não bộ của một vài người có thể hoạt động rất hiệu quả sau một cốc cà phê buổi sáng, nhưng những người khác lại có phản ứng hoàn toàn trái ngược với cafein. "Ý tưởng về việc cùng một cách tác động sẽ thu được hiệu quả ở tất cả mọi người có lẽ là hơi lạc quan thái quá" – giáo sư Ranganath nhận định.
Để giải tỏa những lo lắng đó, Thync đang tiến hành những nghiên cứu của mình một cách rất cẩn thận và tỉ mỉ. Ngoài tDCS, họ còn sử dụng một công nghệ mới xuất hiện là "xung siêu âm xuyên hộp sọ", cùng với các cách thức khác để hoàn thiện sản phẩm của mình.
Thync cho biết họ đã hoàn thành việc thử nghiệm thiết bị này trên hơn 2000 tình nguyện viên. Và để có được sự cho phép của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), Thync sẽ cần phải tiến hành những thử nghiệm lâm sàng trên quy mô rộng hơn. Công ty đang có kế hoạch ra mắt sản phẩm đầu tiên trong năm 2015.
Hiện vẫn còn quá sớm để biết được hiệu quả của thiết bị kích thích não bộ là đến đâu, nhưng những người ủng hộ công nghệ này nghĩ rằng chúng ta mới chỉ đang ở thời kỳ đầu của một "cuộc cách mạng thần kinh học".
Nhà thần kinh học Tyler của Thync thì nghĩ rằng những sản phẩm này sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến: "Đó là điều không thể khác được"