Bố mẹ phải học cách xin lỗi khi lỡ mắng con dù chỉ một lần

Bố mẹ phải học cách xin lỗi khi lỡ mắng con dù chỉ một lần

Khi nuôi con, mẹ khó có thể tránh khỏi những phút giây mất bình tĩnh lỡ lời quát mắng thậm chí đánh con vì tội nghịch phá hay mè nheo. 

Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ học cách xin lỗi và kết nối lại sợi dây yêu thương với con theo cách dễ dàng và hiệu quả nhất.

Bước 1. Hãy hít thở

Trước khi làm bất cứ điều gì, mẹ phải chắc chắn rằng cảm xúc của mình đã ổn định trở lại. Cố gắng sửa chữa trong khi mẹ vẫn đang ở tình trạng tức giận giống như cố gắng sửa chữa một chiếc máy bay trong khi nó đang bay, điều đó sẽ gây ra phản ứng ngược và mọi chuyện sẽ tệ hơn nhiều. 

Hít thở sâu, nói một câu thần chú, uống một cốc nước hay bất kỳ điều gì giúp mẹ bình tĩnh lại. 

Khi tâm lý, cảm xúc của mẹ và cả con đã bình ổn trở lại, cùng chuyển sang bước tiếp theo.

Bước 2. Nói lời xin lỗi chân thành

Đây là lúc để mẹ nói một lời xin lỗi chân thành. Chân thành có nghĩa là mẹ chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hành động của mình.

Sai lầm lớn nhất mà các mẹ thường mắc phải khi xin lỗi là sử dụng các từ "nhưng", "nếu": 

"Mẹ xin lỗi vì đã hét lên, NHƯNG đó là vì mẹ đã nói nhắc con đến 3 lần là không đánh anh nữa mà con vẫn làm" 

"Mẹ xin lỗi vì đã mắng con. NẾU như con không mè nheo nữa thì mẹ sẽ không mắng con như thế" 

ĐỪNG NÓI THẾ! Một lời xin lỗi thực sự không bao gồm các từ "nhưng" hay "nếu". Lời xin lỗi không phải sự biện minh cho lỗi lầm của bố mẹ. Lời xin lỗi là sự chân thành, mong muốn được chịu trách nhiệm hoàn toàn từ người nói. 

Ngồi xuống bên cạnh con và nói lời xin lỗi chân thành với con.

Một lời xin lỗi thực sự cần có đủ 5 yếu tố:

1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hành động của mình trong cuộc xung đột với con

2. Đưa ra một lời giải thích trung thực cho hành vi của mình.

3. Đặt mình vào vị trí của con.

4. Truyền đạt sự đồng cảm cho cảm xúc của con.

5. Thể hiện sự hối hận thực sự cho hành động của mình.

Ví dụ như thế này: "Mẹ rất xin lỗi khi hét lên như thế, con không đáng bị như vậy. Đôi khi, mẹ rất khó giữ bình tĩnh và cư xử không đúng như thế. Mẹ biết mình trông rất đáng sợ khi hét lên và con cũng rất sợ khi mẹ như thế. 

Thực sự là mẹ yêu con rất nhiều. Mẹ rất xin lỗi vì đã làm con tổn thương. Con tha lỗi cho mẹ nhé? Con có thể ôm mẹ một cái được không".

Bước 3: Trò chuyện và lắng nghe con

Sau khi xin lỗi, mẹ hãy hỏi con đã cảm thấy thế nào. Con có cảm thấy sợ hãi khi mẹ hét lên không? Con cảm thấy buồn, thấy bực bội? Và nhẹ nhàng tìm hiểu lý do khiến con có những hành vi làm mẹ tức giận. 

Không phải tự nhiên con đánh anh trai và không nghe lời mẹ. Bất kỳ điều gì cũng có nguyên nhân đằng sau. Mẹ cần tìm hiểu kỹ để giúp con giải quyết và tránh mắc phải tình trạng sai lầm sau này. 

Khi nghe con nói, đừng nói chen vào, giải thích hay bác bỏ ý kiến của con. Thay vào đó hãy lắng nghe một cách tích cực, đồng cảm với những cảm xúc và trải nghiệm của con với những điều vừa diễn ra. 

Bố mẹ phải học cách xin lỗi khi lỡ mắng con dù chỉ một lần ảnh 2

Ôm con một cái thật chặt để con biết dù thế nào mẹ cũng luôn yêu con.

Bước 4: Ôm con

Chạm vào cơ thể là cách tốt nhất để mẹ có thể kết nối lại với con mình, một cái ôm ấm áp thường có thể loại bỏ những cảm giác tiêu cực nảy sinh trong quá trình tương tác căng thẳng. Tại sao? Bởi vì tiếp xúc vật lý giải phóng một loại hormone gọi là oxytocin giúp thúc đẩy niềm tin và sự an toàn.

Khi hai mẹ con rúc rích, âu yếm, ôm ấp, vỗ về và hôn con, con cảm thấy yên tâm về tình yêu của mẹ và được nhắc nhở rằng mẹ luôn ở bên con, bất kể điều gì xảy ra. 

Bước 5. Hãy để mọi việc trôi qua nhẹ nhàng

Khi mẹ đã trải qua 4 bước trên và đã thiết lập lại kết nối với con bạn, đã đến lúc để câu chuyện tiêu cực ra đi. Không có ích gì khi mẹ cứ nghĩ ngợi và dằn vặt vì nó cả.

Khi mẹ học được cách tự tha thứ cho bản thân, mẹ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những đứa trẻ của mình: Rằng mẹ chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình và điều đó ổn. 

Tất cả chúng ta đều đang cố gắng hoàn thiện hơn. Mục tiêu là vượt qua những sai lầm của chúng ta và học hỏi từ những sai lầm đó.

Hãy để mọi việc trôi qua nhẹ nhàng, đừng tự dằn vặt mình.

Thời điểm mà cha mẹ học và thực hành nghệ thuật xin lỗi, cha mẹ đã tạo ra một lớp bảo vệ cho việc nuôi dạy con thành công. 

Làm cha mẹ, ai cũng có những khoảnh khắc tồi tệ nhất và điều cần thiết là chúng ta biến khoảnh khắc đó thành cơ hội để chịu trách nhiệm cho bản thân, đồng cảm và tự yêu thương mình - 3 trong số những điều quan trọng nhất mà con trẻ cần học từ cha mẹ. 

Hãy luôn yêu thương, thành thật và dũng cảm nhận sai sửa lỗi với con. Đó là điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho con!

Theo Phụ nữ Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ