Bà không được học nhiều nên tất cả những gì bà có thể làm chỉ là công việc tay chân. Bà sẵn sàng đi rửa bát, đi cấy, đi gặt cho nhà người ta, gom nhặt từng đồng lẻ để con gái được học hành tử tế.
Tốt nghiệp cấp 2 loại giỏi, chị mạnh dạn quyết định: “Con học đủ rồi, con sẽ tự kiếm tiền báo hiếu mẹ”. Mẹ chị sốc, tát chị rát mặt: “Đồ điên! Bao công sức mẹ nuôi mày ăn học, mày trả lại mẹ như thế đấy à?”. Mặc những lời mắng cay nghiệt của mẹ, chị vẫn khoác ba lô lên đường. Chị khi ấy vừa tròn 15, hành trang của chị chẳng có gì ngoài mái tóc dài ngang thắt lưng, đôi mắt lanh lợi và đôi gò má lúc nào cũng ửng hồng.
Chị may mắn được làm giúp việc trong một gia đình tử tế, bà chủ thương hoàn cảnh của chị, ngoài trả lương, bà còn cho chị quần áo, mỗi lần về quê, bà không quên dúi vào tay chị gói bánh: “Mang về biếu mẹ nhé”.
Tròn 18 tuổi, chị là cô gái đẹp nhất làng, mỗi lần về quê, mẹ chị kể rằng bà đã phải tiếp chuyện biết bao chàng trai, cuối cùng bà quyết định: “Lấy chồng đi con, mẹ không muốn con giúp việc cho nhà người ta nữa”. Nhìn đôi mắt trũng sâu của mẹ, chị xót xa vô cùng.
Trong số những chàng trai năm ấy từng “thập thò đầu ngõ”, chị ưng anh nhất vì anh hiền và thật thà. Mẹ chị băn khoăn: “Con đi lấy chồng, mẹ chỉ muốn con được sống sung sướng nhưng nhà nó chẳng có gì cả, con sẽ vất vả đấy, con hãy nghĩ lại xem sao nhé, còn nhiều người khác tốt hơn”. Khi ấy tình cảm chị dành cho anh đã quá sâu nặng. Không đơn thuần là yêu, chị thương và đồng cảm với hoàn cảnh của anh. Anh chẳng khác nào phiên bản nam của chị, anh cũng vất vả lam lũ từ nhỏ. Ước mơ của đời anh là cưới được một người vợ hiền. Lần đầu nhìn thấy chị, anh đã biết chị là nửa còn lại của mình.
Khi chính thức trở thành vợ anh, chị mới biết anh còn nghèo hơn cả chị. Một mình anh nuôi cả gia đình, bố mẹ già yếu, anh trai bệnh tật. Nếu phải nuôi cả chị, anh chưa biết xoay sở ra sao. Anh làm thợ điện, việc không ngơi tay nhưng số tiền anh kiếm được không nhiều, anh quá tốt bụng, thấy hoàn cảnh nhà người ta giống nhà mình, anh không đành tính công mà chỉ làm giúp. Không muốn anh thêm nặng gánh, chị chủ động đề xuất: “Anh à, em sẽ bán hàng để kiếm thêm”. Anh hỏi: “Em định bán cái gì? Vốn đâu ra?”.
Ngay hôm sau chị đã có câu trả lời, chị gọi anh dậy từ 2 giờ sáng, nhờ anh đèo chị ra chợ đầu mối để nhập rau củ tươi. Hàng chất đống trên chiếc xe máy cũ, chị phải gù lưng ngồi phía trước giống hệt một đứa trẻ con. Đèo chị và đống hàng về nhà, anh vừa buồn cười vừa xót xa, nhưng chị lại rất hào hứng: “Anh chỉ cần đèo em 1 buổi thôi, lần sau em tự đi được. Anh cứ ở nhà ngủ cho tròn giấc, sáng dậy đi làm cho đỡ mệt”.
Tháo vát, đảm đang và chăm chỉ đã trở thành bản năng trong chị, chỉ sau vài ngày bỡ ngỡ, chị chạy chợ thành thần, ai đặt mua gì chị cũng bán. Chị tiết kiệm từng đồng lãi, chắt chiu mỗi ngày và bắt đầu ước ao về một ngôi nhà mái ngói ấm áp, cao ráo và sạch sẽ.
Trong khoảng thời gian gần chục năm chạy chợ, chị đã kịp sinh 3 đứa con. Mỗi lần sinh nở, chị chỉ chịu ở nhà dưỡng sức 2 tháng rồi lại vùng dậy, buôn buôn bán bán. Ăn ít, ngủ không đủ giấc, chị gầy rộc, đứa bé thứ 3 bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, khi ra đời, nó yếu hơn hẳn những đứa khác, biếng ăn và liên tục ốm. Vừa chạy chợ, vừa chăm bố mẹ chồng già yếu, anh chồng bệnh tật, con gái út hay sốt cao và lên cơn co giật, có những khoảnh khắc chị mệt mỏi, suy kiệt đến mức muốn từ bỏ tất cả. Nhưng nghĩ đến ước mơ còn dang dở, chị tiếp tục cố gắng.
Không ít lần bố mẹ chồng trào nước mắt khi thấy chị lam lũ: “Xin lỗi con” – đó là tất cả những gì họ có thể nói với chị. Họ dành hết năng lượng yếu ớt của mình để biết ơn và yêu thương chị - đó là tất cả những gì họ có thể làm.
Ai đó có thể nói chị xứng đáng lấy được một tấm chồng tốt hơn, công sức chị bỏ ra cũng xứng đáng được sống một cuộc đời đủ đầy hơn. Nhưng với chị, tình cảm sâu nặng và ấm áp của nhà chồng lại là món quà vô giá, họ khiến chị bật khóc mỗi ngày, vì thương họ, và cũng vì thương bản thân, nhưng rồi chị lại gạt nước mắt để đứng dậy, mạnh mẽ và kiên cường như mẹ chị ngày nào.
Chị tự nhủ: “Có sao đâu, mình có thể vất vả hơn người ta cả trăm lần, nhưng hạnh phúc vẫn cứ là hạnh phúc”. Chị tin, cuộc đời không phụ người chăm chỉ. Khi nào chị xây được ngôi nhà mới, sạch sẽ và khô ráo, sức khỏe của bố mẹ chồng và những đứa trẻ sẽ tốt dần lên, mọi chuyện rồi sẽ ổn.