Học sinh giỏi xưa hiếm như học sinh trung bình ngày nay?
Chị Minh Tuyết quê Nam Đàn, Nghệ An, hiện sống tại Hà Nội kể rằng, thời chị đi học cách đây hơn 25 năm, chị là người có học lực luôn đứng đầu hoặc thứ 2 lớp trong suốt thời kỳ từ cấp 1 (tiểu học bây giờ) cho đến cấp 2 (trung học cơ sở hiện nay).
Mặc dù học đứng nhất, nhì lớp nhưng xem lại học bạ trong cả hai cấp học đó, chỉ có một năm chị đạt Học sinh giỏi, còn lại là Học sinh tiên tiến. Ngay như môn Văn là môn mà dường như năm nào chị cũng đạt giải Học sinh giỏi huyện, Học sinh giỏi tỉnh thì điểm tổng kết cũng chỉ trên 7,0.
Hy hữu có năm lên 8,0. Và theo chị Tuyết, đó là số điểm tổng kết cao nhất, không chỉ trong lớp mà trong cả trường cấp 2 Vân Diên, Nam Đàn hồi đó. Cũng vì thế mà số học sinh giỏi trong trường mỗi năm mỗi khối chỉ 1-2 học sinh, thậm chí có năm không có học sinh nào.
Số học sinh tiên tiến cũng không nhiều, chỉ chiếm khoảng 2-5%. So điểm số của chị Tuyết ngày đó với học sinh hiện nay thì khác một trời một vực. Học sinh bây giờ điểm tổng kết rất cao. Số học sinh giỏi trung bình khoảng 75%, học sinh tiến tiến khoảng 18%, học sinh trung bình chiếm khoảng 1-2%. Tức là, số học sinh giỏi của thời chị Tuyết cách đây 25 năm hiếm hoi như số học sinh yếu nhất (được xếp loại trung bình trong lớp học) với tỷ lệ trung bình khoảng 2%.
“Qua theo dõi việc học tập của con tôi và các bạn trong lớp thì tôi thấy, không phải học sinh bây giờ giỏi hơn học sinh ngày xưa mà đó hoàn toàn là do cách đánh giá của giáo viên, của nhà trường mỗi thời mỗi khác.
Ngày xưa một bài văn dù hay đến cỡ nào cũng chỉ 8 điểm là cao nhất. Còn bây giờ có 10 điểm văn. Thời tôi đi học, học sinh giỏi là giỏi thực sự, giỏi như những học sinh học ở mức giỏi xuất sắc bây giờ. Cũng như vậy, nếu học ở mức bình thường thì điểm số hay danh hiệu cuối năm sẽ rất khớp, tức là ở mức trung bình.
Nhưng hiện nay, số học sinh học ở mức bình thường thì hầu như được nâng lên học sinh giỏi, còn học sinh thực sự giỏi thì sẽ nâng lên học sinh giỏi xuất sắc. Cách đánh giá như vậy theo tôi là không đúng thực lực của các em”, chị Tuyết nói.
Đáng sợ nhất là trẻ ngộ nhận về mình
Theo chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy, việc đánh giá hay khen thưởng không đúng với thực lực của học sinh sẽ có gây nên những tác hại khó lường cho chính bản thân đứa trẻ.
Lời khen hay khen thưởng chỉ có tác dụng khi nó đánh giá đúng thực chất. Khen đúng thì được khích lệ, tự tin. Còn nếu khen sai sẽ khiến cho đứa trẻ bị tổn thương hoặc trở nên ngộ nhận về bản thân gây nên những nguy hại khôn lường.
Nếu đứa trẻ biết bố mẹ chạy thành tích cho mình thì sau này nó sinh ra thủ đoạn, dối trá để được khen, để được tôn trọng. Đứa trẻ cũng từ đó học cách sống đối phó bằng những trò gian dối, thủ đoạn được bố mẹ tập thành từ việc chạy điểm đó.
Còn những trẻ không biết bố mẹ chạy điểm, hoặc được các thầy cô hay nhà trường tự nguyện “nâng đỡ” thì nó sẽ ngộ nhận về bản thân. Chúng tưởng rằng mình giỏi hoặc đang rất giỏi. Từ đó thiếu đi sự đánh giá chính xác về bản thân để có thể có kế hoạch học tập rèn luyện để có thể hoàn hảo hơn.
Việc đánh giá đúng về bản thân rất quan trọng bởi sẽ giúp cho đứa trẻ không ngộ nhận về mình. Việc ngộ nhận về bản thân sẽ làm cho cuộc sống của đứa trẻ đó về sau sẽ trở nên khó khăn hơn. Cho nên sợ nhất là bố mẹ ngộ nhận về con cũng như đứa trẻ ngộ nhận về bản thân chúng.
Trên thực tế có những đứa trẻ đạt được một danh hiệu trong một cuộc thi “ao làng” nào đó, vì được xung quanh tung hô và ngợi ca, cộng thêm sự thiếu hiểu biết của bố mẹ đã khiến cho đứa trẻ đó ngộ nhận rằng mình là “đệ nhất thiên hạ”, là number one.
Để rồi sau đó chúng phải chật vật lớn lên, chật vật trưởng thành với cái ảo tưởng to lớn về bản thân mình. Điều này lý giải vì sao có những ngôi sao nhí nổi tiếng từ sớm, khi lớn lên lại trượt dài trong nghiện ngập, ma túy và đời sống ăn chơi sa đọa.
Bởi vậy theo bà Thúy, việc quan trọng vô cùng đó là sự đánh giá chính xác khả năng của đứa trẻ. Khi con đạt được thành tích nào đó, hãy nói cho con biết con đang giỏi ở cấp độ nào. Cho con biết giỏi có nhiều cấp độ.
Ví dụ, giỏi trong phạm vi của lớp khác giỏi trong phạm vi của trường, giỏi trong phạm vi nhà trường khác giỏi ở cấp quận, quận khác thành phố. Rồi giỏi cấp quốc gia, cấp quốc tế, giỏi xuyên không gian và thời gian… đều có sự khác nhau rất nhiều.
Có chuyên gia đưa ra nhận xét rằng: Ngộ nhận là mặt sau của giác ngộ, là mặt trái của sự hiểu biết, tai hại vô cùng. Ví dụ ngộ nhận về quyền lực thì dẫn đến lạm quyền. Lạm quyền thì gây ra đủ thứ tai họa.
Ngộ nhận bây giờ trở nên phổ biến… xét cho cùng thì sống là một cuộc nhận thức lâu dài để con người ta vượt qua sự ngộ nhận. Làm được thế thì mới có thể có đời sống an bình, mới có hạnh phúc cho mình.