Bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ tạo công bằng cho thí sinh

GD&TĐ - Trong kế hoạch tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. 

Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội) trong giờ học.
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội) trong giờ học.

Thông tin này nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh.

Nhiều trường tốp đầu bỏ xét học bạ

Theo thông tin công bố, năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: Xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (15%, giảm 3% so với năm 2024).

Lý giải về việc bỏ phương thức xét học bạ, đại diện nhà trường cho biết, qua kết quả tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh trường chuyên xét tuyển bằng học bạ có học lực giỏi, gần như đều đáp ứng các điều kiện khác về điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế... Việc bỏ nhóm thí sinh này nhằm giảm tỷ lệ ảo khi lọc hồ sơ trúng tuyển.

Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trước đây trường sử dụng điểm học bạ để xét tuyển như một phương thức độc lập hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Tuy nhiên từ năm 2025, trường dự kiến không sử dụng kết quả học bạ ở cả hai phương thức này.

Theo lý giải của đại diện nhà trường, lứa thí sinh năm tới học theo chương trình mới, mỗi em lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau. Theo đó, nhà trường dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt làm phương thức tuyển sinh độc lập và là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo trong năm 2025.

Điểm xét tuyển là tổng điểm môn chính nhân hệ số hai cộng với điểm môn còn lại. Phương thức này dự kiến sẽ áp dụng để tuyển sinh cho 30 ngành đào tạo với khoảng 40 - 50% chỉ tiêu, tùy ngành. Cùng đó, trường sử dụng các phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên và tuyển thẳng.

cong-bang-cho-thi-sinh-2-2676.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Công bằng cho thí sinh

Ủng hộ phương án bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ, nhiều thầy, cô giáo cho rằng việc này sẽ tạo sự công bằng trong chặng đua vào đại học sắp tới. Bỏ phương thức xét học bạ phù hợp với đổi mới tuyển sinh, dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Cô Nguyễn Phương Thảo - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, Ba Vì (Hà Nội) nêu quan điểm: Kể từ ngày áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ, nhiều trường THPT chạy theo thành tích, nhiều giáo viên chấm điểm “nới tay” để tạo điều kiện cho học sinh có “bảng điểm đẹp”, thuận lợi vào trường đại học, ngành học mong muốn.

Hơn nữa, trong quá trình học tập, nhiều trường hợp điểm số của học sinh chưa thực chất vì nhiều lý do. Do đó, bỏ xét học bạ và đánh giá học sinh bằng các kỳ thi của Bộ GD&ĐT và phương pháp đánh giá riêng của trường đại học hợp lý hơn.

Cô Bùi Thu Thủy - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025 tới đây sẽ thực hiện theo Chương trình GDPT 2018. Việc đổi mới tuyển sinh theo chương trình mới, trong đó có bỏ xét tuyển bằng học bạ là phù hợp. Điều này cũng được nhiều thầy, cô giáo trong trường ủng hộ.

“Hiện, tỷ lệ học sinh giỏi theo học bạ chiếm phần lớn. Để tìm một học sinh khá đôi khi còn hiếm hơn học sinh giỏi. Chính vì thế, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Xét tuyển đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, không công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành học khó cần tuyển các em giỏi thực sự”, cô Thủy nói.

Chị Nguyễn Thị Lan ở Hà Nội cho rằng, việc bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ phù hợp vì kết quả thi luôn là hình thức xét tuyển công bằng nhất. Các thầy cô vì nhiều lý do như thương học sinh, mong các em thi đỗ vào trường tốt hơn nên đã thay đổi điểm số, đánh giá học bạ, khiến học sinh và phụ huynh ảo tưởng, dẫn tới lựa chọn sai trường, ngành học.

“Thực tế, năng lực của trẻ không tương xứng điểm số học bạ nhưng nhiều phụ huynh nghĩ con mình thực sự giỏi nên chọn trường và ngành học cho con không phù hợp với khả năng, dẫn tới lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc”, chị Lan nói.

Em Nguyễn Thanh Thảo - học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội) cho hay: Xét tuyển bằng học bạ chỉ nên là tiêu chí phụ bởi xét phương thức này không công bằng. Mỗi trường có tiêu chuẩn, cách đánh giá bằng điểm số khác nhau, do đó sẽ thiệt thòi cho học sinh ở các trường không được thầy cô ưu ái.

Ví dụ, học sinh đạt điểm 10 ở trường này nhưng chưa chắc năng lực tốt hơn học sinh đạt điểm 7, 8 ở trường khác. Mặt khác, đề thi của mỗi trường khác nhau. Bởi vậy, em cho rằng, chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét học bạ nên giảm so với các phương thức xét tuyển khác để tạo công bằng cho thí sinh.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ủng hộ việc các trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ vào thời điểm này. Theo ông Khuyến, ở các trường phổ thông chưa có cơ chế kiểm định nên kết quả tùy thuộc vào mỗi trường, không có sự đồng đều chất lượng vì trường “chấm chặt”, trường “chấm lỏng”. Do đó, nếu dựa vào học bạ để xét tuyển sẽ không công bằng với học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ